Quế là một trong những dược liệu quý trong y học cổ truyền có tính ấm, được biết đến với tác dụng kháng khuẩn và điều trị cảm lạnh. Thời gian gần đây, có một loại quế đặc biệt thu hút được sự chú ý của giới chuyên gia và người tiêu dùng: đó là quế Ceylon.
Quế Ceylon có nguồn gốc từ hòn đảo xinh đẹp Sri Lanka, được ưa chuộng bởi hương vị thanh nhẹ và ít cay nồng hơn so với các loại quế từ những vùng khác. Quế Ceylon thường có lớp vỏ ngoài mỏng và sáng màu.
Nếu trước đây bạn chỉ coi quế là một gia vị độc đáo có trong bánh ngọt hoặc thức uống mùa lễ hội, thì nội dung dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về các ích lợi “vàng” của quế nói chung và quế Ceylon nói riêng đối với sức khỏe, đặc biệt khi nó được tiêu thụ đều đặn ở liều lượng phù hợp.
Giảm viêm: Một trong những lợi ích nổi bật của quế Ceylon là đặc tính chống viêm. Tình trạng viêm mãn tính có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường, và ung thư. Viêm ở mức độ thấp cũng có thể đẩy nhanh các dấu hiệu lão hóa (một quá trình gọi là "viêm lão hóa"). Việc bổ sung quế Ceylon vào chế độ ăn có thể giúp cơ thể bạn chống lại viêm nhiễm nhờ vào lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong loại gia vị này.
Hạ đường huyết: Một lợi ích ấn tượng khác của quế Ceylon là khả năng giúp làm giảm đường huyết. Nghiên cứu cho thấy quế Ceylon có thể giúp quản lý mức glucose trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin. Tuy nhiên, quế không thể thay thế thuốc hoặc các phương pháp điều trị đã được kê đơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng quế Ceylon như một phương pháp bổ sung để quản lý đường huyết.
Cải thiện sức khỏe thần kinh: Ít người biết rằng quế Ceylon là một lựa chọn đầy triển vọng trong việc cải thiện sức khỏe thần kinh, đặc biệt liên quan đến chức năng nhận thức và các bệnh thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy một số hợp chất trong quế Ceylon có thể ức chế sự tích tụ protein tau trong não, một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quế có thể cải thiện trí nhớ và khả năng học tập. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu trên người để hiểu rõ hơn về tiềm năng của quế Ceylon trong lĩnh vực này.
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Quế Ceylon còn có khả năng hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Loại gia vị này có thể giúp giảm mức cholesterol toàn phần, LDL (cholesterol xấu) và triglyceride, đồng thời duy trì hoặc thậm chí tăng mức HDL (cholesterol tốt). Hiệu quả bảo vệ tim này được cho là nhờ vào các hợp chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm của quế.
Giảm đau viêm khớp: Theo nhiều nghiên cứu, quế Ceylon có thể mang lại lợi ích cho những người bị viêm khớp. Các đặc tính chống viêm của loại gia vị này có thể giúp giảm đau và giảm viêm, sưng khớp.
Làm loãng máu: Quế Ceylon được cho là có khả năng làm loãng máu nhờ hợp chất cinnamaldehyde, giúp ức chế các yếu tố đông máu và giảm thiểu nguy cơ hình thành cục máu đông bất thường. Tuy nhiên, cần thận trọng với những người có triệu chứng rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu.
Kháng khuẩn: Thành phần cinnamaldehyde trong quế Ceylon có đặc tính kháng khuẩn, giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn như Listeria và E. coli trong thực phẩm.
Dù có nhiều lợi ích, việc tiêu thụ quế Ceylon cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Với một số người, khi ăn hoặc uống các món có quế, kể cả ở liều lượng vừa phải, cũng gây phản ứng nhẹ như kích ứng da, ngứa, hoặc phát ban. Trong khi đó, việc tiêu thụ quá mức có nguy cơ gây tổn thương gan do hợp chất coumarin có trong quế. Dù quế Ceylon có hàm lượng coumarin thấp hơn nhiều so với quế Cassia, nhưng vẫn không nên tiêu thụ vượt mức khuyến nghị từ 1-3 gram mỗi ngày.
Phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh gan nên thận trọng hoặc tránh sử dụng quế. Và giống như với bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có lời khuyên phù hợp nhất trước khi bổ sung nhiều gia vị vào chế độ ăn của mình.
Bảo Trâm