Vì sao sắc lệnh của ông Trump bị chặn

Vì sao sắc lệnh của ông Trump bị chặn
6 giờ trướcBài gốc
Là một phần của chiến dịch hạn chế toàn diện đối với cả người nhập cư hợp pháp và không có giấy tờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 20/1 sau khi tuyên thệ nhậm chức, trong đó tìm cách chấm dứt quyền công dân đối với một số trẻ em sinh ra tại Mỹ.
Ở một quốc gia trong đó quyền công dân theo nơi sinh bất kể dòng dõi là một giá trị được coi trọng sâu sắc, nỗ lực cắt đứt quyền này của tổng thống đối với các thế hệ tương lai có thể tạo ra một tầng lớp bị hạ thấp, thông qua thay đổi chính sách nhắm cụ thể vào các cộng đồng da màu.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump chắc chắn phải đối mặt với các thách thức tại tòa án từ các tổ chức dân quyền, những tổ chức có tiếng nói hiến pháp thuận lợi và hơn một thế kỷ tiền lệ pháp lý đứng về phía họ. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã dẫn đầu một nhóm các tổ chức đệ đơn kiện thách thức sắc lệnh của ông Trump.
Chỉ một ngày sau, một liên minh gồm 22 tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, Quận Columbia và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Boston với lý do sắc lệnh của ông Trump vi phạm rõ ràng hiến pháp Mỹ. Tiểu bang Washington, Oregon, Illinois và Arizona cùng đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Seattle và hôm 23/1, thẩm phán quận John Coughenour đã tạm thời chặn sắc lệnh của ông Trump, gọi đó là "vi hiến rõ ràng", trong phán quyết đầu tiên của tòa án về lệnh này.
Dưới đây là những thông tin chi tiết về quyền công dân theo nơi sinh và tương lai của quyền này dưới chính quyền Trump.
Quyền công dân theo nơi sinh là gì?
Khi nhắc đến quyền công dân theo nơi sinh, ông Trump và các đồng minh thường ám chỉ đến nguyên tắc pháp lý jus soli - một thuật ngữ tiếng Latin có nghĩa là "quyền của người sinh ra trên lãnh thổ".
Nói một cách đơn giản, nguyên tắc này cho phép hầu hết người sinh ra trên đất Mỹ trở thành công dân Mỹ.
Cơ sở pháp lý cho quyền công dân theo nơi sinh ở Mỹ là gì?
Jus soli bắt nguồn từ luật lệ của nước Anh. Theo đó, từ nhiều thế kỷ trước, những người sinh ra ở Anh sẽ là công dân Anh. Nhưng quyền công dân theo nơi sinh không bị hạn chế ở Hoa Kỳ bao gồm cả những người da màu - tức không chỉ người Mỹ da trắng - bắt nguồn từ hiến pháp Mỹ.
Năm 1857, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng con cháu người da đen của những người nô lệ không được trở thành công dân Mỹ. Để khắc phục sự bất công này, chỉ hơn một thập kỷ sau, Mỹ đã phê chuẩn Tu chính án thứ 14. Dòng đầu tiên của Tu chính án thứ 14 có nội dung: "Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân Mỹ và của Tiểu bang nơi họ cư trú".
Được gọi là Điều khoản về quyền công dân, cụm từ này - cùng với một số luật lệ và quy định liên quan - thiết lập cơ sở hiện đại cho quyền công dân theo nơi sinh.
Tòa án Mỹ nói gì về quyền công dân theo nơi sinh đối với con cái của những người nhập cư?
Ngay cả khi Tu chính án thứ 14 được phê chuẩn, người Mỹ đã bắt đầu quay lưng lại với những người nhập cư vào Mỹ, đặc biệt là các công nhân Trung Quốc.
Ngay sau đó, Quốc hội đã ban hành luật để hạn chế nghiêm ngặt việc di cư của người Trung Quốc và gây khó khăn cho những người Trung Quốc đã sống ở Mỹ.
Vào năm 1898, định nghĩa về quyền công dân theo nơi sinh của Tu chính án thứ 14 đã gặp phải thách thức lớn đầu tiên với sự phản đối của một đầu bếp người Mỹ gốc Hoa tên là Wong Kim Ark.
Wong Kim Ark, một thanh niên sinh ra tại San Francisco với cha mẹ là người nhập cư, đã tới Trung Quốc để thăm gia đình. Khi cố gắng trở về nhà ở Mỹ, Wong không được phép vào nước này với cáo buộc Wong không phải là công dân Mỹ.
Nhưng Tòa án Tối cao lại có nhìn nhận khác.
Trong một quyết định có tính tiền lệ năm 1898, các thẩm phán đã ra phán quyết có lợi cho yêu cầu về quyền công dân Mỹ của Wong Kim Ark mặc dù cha mẹ Wong là người nhập cư Trung Quốc không thể nhập tịch.
Ai không phải là công dân Mỹ, ngay cả khi sinh ra ở Mỹ?
Có những trường hợp ngoại lệ cực kỳ hiếm đối với nguyên tắc jus soli, trong đó những người sinh ra ở Mỹ không tự động được cấp quyền công dân Mỹ.
Tu chính án 14 không đảm bảo quyền công dân cho người Mỹ bản địa sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, điều mãi đến năm 1924 mới được công nhận.
Năm 2021, Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng những người sinh ra ở các vùng lãnh thổ chưa hợp nhất của Samoa thuộc Mỹ không được tự động đảm bảo quyền công dân theo nơi sinh, trừ khi Quốc hội ban hành luật. Và con cái của các nhà ngoại giao nước ngoài - hoặc, trong một trường hợp kịch tính hơn, con cái của những kẻ chiếm đóng đối địch - cũng không có quyền công dân Mỹ khi sinh ra.
Các quốc gia khác có quyền công dân theo nơi sinh như ở Mỹ không?
Trong những bình luận chỉ trích phiên bản quyền công dân theo nơi sinh của Mỹ, ông Trump đã nói: "Chúng ta phải chấm dứt điều đó. Chúng ta là quốc gia duy nhất thực hiện quyền này”.
Trên thực tế, hàng chục quốc gia có quyền công dân dựa trên nơi sinh. Giống như Mỹ, hầu hết các quốc gia này đều nằm trong bán cầu Tây, bao gồm Canada và Mexico.
Tuy nhiên, quyền công dân theo nơi sinh ít phổ biến hơn ở các khu vực khác trên thế giới.
Sắc lệnh hành pháp của Trump có tác dụng gì?
Sắc lệnh hành pháp được ký hôm 20/1 nhằm mục đích khiến những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ nhưng không có ít nhất một trong hai cha mẹ là thường trú nhân hợp pháp hoặc công dân Mỹ không còn được tự động gia hạn quyền công dân Mỹ nữa.
Sắc lệnh cũng không cho phép các cơ quan liên bang cấp hoặc công nhận giấy tờ chứng minh quyền công dân Mỹ cho những trẻ em như vậy.
Đáng chú ý là sắc lệnh hành pháp nhắm vào trẻ em sinh ra từ cả những người nhập cư trái phép và những người ở Mỹ hợp pháp bằng thị thực tạm thời.
Liệu ông Trump thực sự có thể chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh không?
Có thể - mặc dù có lẽ là không, và gần như chắc chắn không thể chấm dứt được quyền công dân theo nơi sinh thông qua sắc lệnh hành pháp.
Điều khoản về quyền công dân là một phần của hiến pháp Mỹ, văn kiện lập quốc của quốc gia này.
Nhìn chung, các học giả pháp lý cho rằng cả sắc lệnh hành pháp lẫn luật pháp đều không thể thay thế được sự bảo đảm của hiến pháp về quyền công dân theo nơi sinh đối với những người sinh ra trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, vì tiền lệ pháp lý do Wong Kim Ark đặt ra cách đây hơn một thế kỷ là rất cơ bản đối với cách quyền công dân theo nơi sinh liên quan đến con cái của những người nhập cư, nên một cuộc chiến pháp lý nổ ra từ sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể - trong kịch bản cực đoan nhất - gây nguy hiểm cho cách hiểu về quyền công dân theo nơi sinh của Mỹ như chúng ta biết.
Trên thực tế, việc buộc Tòa án Tối cao phải diễn giải lại Tu chính án thứ 14 có lẽ là một phần trong cuộc chơi dài hơi mà chính quyền Trump đang thực hiện với sắc lệnh hành pháp của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một chiến dịch, thì việc đại tu hoàn toàn luật lệ về quyền công dân theo nơi sinh vẫn là điều không thể.
Một cách khác để phủ quyết một phần hiện có của hiến pháp là phê chuẩn một tu chính án khác, điều này sẽ đòi hỏi mức độ ủng hộ chính trị bất khả thi đối với một vấn đề cực hữu như vậy.
Chính quyền Trump có thể kiểm soát quyền công dân theo nơi sinh theo cách nào khác?
Ngay cả khi chính quyền không thể hoàn toàn hủy bỏ quyền công dân theo nơi sinh đối với con cái của một số người nhập cư nhất định, các quan chức được cho là đã tìm ra những cách khác để giải quyết vấn đề này.
Ví dụ, giới chức trách có thể tìm cách hạn chế thị thực ngắn hạn cho những du khách đang mang thai, để những du khách đó không thể sinh con ở Mỹ.
Dương Lam
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-sac-lenh-cua-ong-trump-bi-chan-post1525083.html