Vì sao số lượng trẻ em chậm nói có chiều hướng tăng?

Vì sao số lượng trẻ em chậm nói có chiều hướng tăng?
26 phút trướcBài gốc
Điểm chung của những bệnh nhi có biểu hiện chậm nói là tiếp xúc với tivi và điện thoại liên tục trong nhiều giờ từ khi còn rất nhỏ (lúc ngồi chơi 1 mình, lúc ăn cơm hoặc khi vòi vĩnh, quấy khóc…)
Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về… Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ).
Các bác sĩ thông tin về việc số lượng trẻ em chậm nói có chiều hướng tăng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, có nguyên nhân là do thời gian sử dụng tivi, điện thoại hơn 2 giờ mỗi ngày ở trẻ từ 1-3 tuổi làm tăng nguy cơ chậm nói. Bé trai có tỷ lệ mắc các rối loạn ngôn ngữ cao hơn đáng kể so với bé gái.
Hơn 60% trẻ em bị chậm nói và ngôn ngữ không bắt kịp hoàn toàn với các bạn cùng lứa tuổi, gặp khó khăn về đọc và đánh vần cao gấp 6 lần và khó khăn về tính toán cao gấp 4 lần; Thiếu kỹ năng giao tiếp, cô lập xã hội, tự ti và lo lắng trong các tình huống; Khó khăn trong việc kết bạn và duy trì các mối quan hệ, trẻ có thể gặp khó khăn trong đọc, viết và tính toán, kết quả học tập cũng bị ảnh hưởng. Những tác động này có thể kéo dài sang tuổi trưởng thành, có thể gặp vấn đề trong học tập và giao tiếp xã hội suốt đời.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai)
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ em có thể bắt đầu có dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ từ 18 tháng tuổi, nếu được can thiệp sớm, có thể cải thiện khả năng nói và giao tiếp lên tới 50% trong vòng một năm đầu can thiệp.
“Thời điểm vàng để đưa trẻ đi khám và can thiệp là 18 tháng tuổi. Tất cả trẻ em bị nghi ngờ chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc chương trình can thiệp sớm tại địa phương để đánh giá chính thức. Nếu can thiệp muộn, lúc trẻ đã đi học tiểu học thì thời gian can thiệp không được nhiều và khi đó sự tác tác xã hội của trẻ đã giảm sút rồi.” - Bác sĩ Vũ Sơn Tùng nói.
Văn Hải/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/suc-khoe/vi-sao-so-luong-tre-em-cham-noi-co-chieu-huong-tang-post1156797.vov