Theo tạp chí National Interest (Mỹ), Zircon có khả năng tránh radar và độ chính xác cao, được xem là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lực lượng hải quân của Mỹ và NATO, đặc biệt là khi loại vũ khí này được triển khai trên tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga.
Tên lửa siêu thanh Zircon được phóng từ tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Nga trong một cuộc thử nghiệm hồi năm 2022 - Ảnh: Reuters
Zircon - biểu tượng hiện đại hóa quân sự của Nga
Tên lửa Zircon là một phần trong chiến lược hiện đại hóa quân sự toàn diện của Nga, nhằm nâng cao khả năng răn đe và mở rộng ảnh hưởng quân sự trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt. Dự án phát triển Zircon được khởi xướng từ năm 2010 và do Công ty quốc phòng NPO Mashinostroyeniya đảm nhiệm - một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tên lửa dẫn đường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu xác nhận sự tồn tại của Zircon vào năm 2016. Sau đó, từ năm 2020, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc thử nghiệm bắn tên lửa từ nhiều nền tảng khác nhau, trong đó có tàu khu trục Đô đốc Gorshkov và tàu ngầm lớp Yasen Severodvinsk. Đến năm 2022, Nga tuyên bố đã chính thức đưa Zircon vào sản xuất hàng loạt và biên chế trong lực lượng hải quân.
Zircon là một tên lửa hành trình tấn công đa năng, có thể tiêu diệt cả mục tiêu trên biển và trên đất liền. Động cơ scramjet (siêu phản lực đốt cháy ngoài) là yếu tố cốt lõi mang lại sức mạnh cho vũ khí này. Đây là loại động cơ cho phép tên lửa bay ở tốc độ siêu vượt âm mà không cần buồng đốt kín như các loại động cơ phản lực truyền thống.
Tốc độ ước tính của Zircon đạt từ Mach 8 đến Mach 9 (tức khoảng 9.800 – 11.000 km/giờ), nhanh gấp 8 - 9 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ này khiến thời gian phản ứng của hệ thống phòng thủ hiện đại trở nên cực kỳ ngắn ngủi, làm giảm đáng kể khả năng đánh chặn.
Không giống như tên lửa đạn đạo truyền thống vốn có quỹ đạo bay parabol dễ đoán, Zircon sử dụng đường bay linh hoạt ở độ cao thấp, giúp nó tránh được radar và các hệ thống phòng không. Hơn nữa, Zircon còn có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, nâng cao đáng kể khả năng tác chiến linh hoạt trong nhiều kịch bản.
Tầm bắn của Zircon được ước tính từ 1.000 - 1.500km, đủ để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương mà không cần rời xa khu vực an toàn.
Mối đe dọa trực diện
Một trong những mục tiêu rõ ràng của Zircon là nhằm vào các tàu chiến mặt nước - đặc biệt là tàu sân bay - vốn là xương sống của hạm đội hải quân Mỹ. Với tốc độ và khả năng tránh né hiện đại, việc đánh chặn một tên lửa Zircon đang bay tới gần như là bất khả thi với các hệ thống phòng không hiện nay.
Nếu được phóng đi từ tàu ngầm lớp Yasen, Zircon có thể tiếp cận mục tiêu từ dưới mặt nước, tăng thêm yếu tố bất ngờ và khiến các nhóm tác chiến tàu sân bay Hoa Kỳ trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra thách thức lớn cho chiến lược hiện diện toàn cầu và răn đe quân sự của Washington, vốn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát các vùng biển chiến lược như Biển Đen, Baltic và Bắc Cực.
Các chuyên gia quân sự phương Tây lo ngại rằng với Zircon, Nga đang tạo ra một bước ngoặt công nghệ có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trên biển, từ đó tác động đến các chiến lược an ninh khu vực và toàn cầu của Mỹ và NATO.
Theo nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert, trong khi Nga và Trung Quốc đều đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, Mỹ vẫn đang loay hoay với các chương trình thử nghiệm chưa ổn định. Việc phát triển động cơ scramjet và tích hợp thành công vào hệ thống vũ khí thực chiến vẫn là một bài toán khó đối với Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ).
Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ, như Aegis hoặc THAAD, chủ yếu được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay xác định. Đối với các tên lửa siêu thanh có khả năng thay đổi quỹ đạo liên tục như Zircon, các giải pháp đánh chặn hiệu quả gần như vẫn chưa được triển khai trên thực địa.
Nếu không có bước đột phá trong nghiên cứu và triển khai vũ khí siêu thanh cũng như các biện pháp phòng thủ tương ứng, Mỹ có nguy cơ bị Nga vượt mặt trong một lĩnh vực chiến lược quan trọng – điều từng được ví như “cuộc cách mạng công nghệ quân sự tiếp theo”.
Thay đổi cán cân địa chính trị toàn cầu
Việc Nga đưa Zircon vào biên chế không chỉ là một bước tiến kỹ thuật, mà còn là một công cụ chiến lược nhằm củng cố vị thế quốc gia trên bàn cờ địa chính trị.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng căng thẳng với phương Tây, sở hữu một loại vũ khí gần như không thể bị đánh chặn sẽ giúp Nga răn đe hiệu quả hơn và gia tăng ảnh hưởng trong các vùng biển tranh chấp.
Zircon không chỉ đơn thuần là một sản phẩm quân sự, mà còn là biểu tượng cho khả năng tự chủ công nghệ, định hình lại học thuyết quân sự, và là phương tiện mở rộng ảnh hưởng ở những điểm nóng chiến lược như Bắc Cực - nơi Nga đang có tham vọng gia tăng hiện diện.
Ông Weichert nhận định nếu Mỹ và NATO không thể phát triển biện pháp đối phó hiệu quả, sự thống trị về mặt công nghệ và chiến thuật mà Zircon mang lại có thể làm nghiêng cán cân quyền lực toàn cầu về phía Moscow - ít nhất là trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.
Hoàng Vũ