Vì sao tham vọng của Mỹ dùng tiêm kích F-16 bắn hạ tên lửa đạn đạo bất thành?

Vì sao tham vọng của Mỹ dùng tiêm kích F-16 bắn hạ tên lửa đạn đạo bất thành?
8 giờ trướcBài gốc
Giới chức quân sự Mỹ từng có ý định sử dụng tiêm kích F-16 để bắn hạ tên lửa đạn đạo, họ dựa vào căn cứ nào và tại sao tham vọng trên không trở thành hiện thực?
Mọi chuyện bắt đầu với mong muốn của Lầu Năm Góc đó là đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng tiêm kích, tương tự những gì đang thực hiện với AIM-174 trên F/A-18, nhưng khác với biến thể SM-6 sửa đổi, Mỹ từng lên kế hoạch sử dụng tên lửa không đối không có sẵn.
Điển hình chính là Dự án Network Centric Airborne Defense Element (NCADE) được khởi động vào thập niên 2000, dự định đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn phóng và tăng tốc.
Để làm được điều này sẽ yêu cầu sử dụng một phương tiện phóng từ trên không kích thước nhỏ gọn và có giá thành rẻ, sản phẩm khi đó đang được phát triển với sự hợp tác giữa Công ty Raytheon và Aerojet.
Yếu tố cốt lõi của chương trình là sử dụng các thành phần từ tên lửa không đối không sản xuất hàng loạt hiện có, cụ thể là AIM-120 AMRAAM, bao gồm ít nhất là thiết kế khí động học, giao diện và hệ thống điều khiển bay.
Nhờ những tính năng đặc biệt, tên lửa mới có thể được sử dụng bởi hầu hết tiêm kích của Mỹ, bao gồm F-16, F-15, F/A-18, F-22 và F-35, cũng như UAV MQ-9 Reaper... từ đó mang lại sự tính linh hoạt cao khi sử dụng và loại bỏ nhu cầu phải sửa đổi thêm đối với máy bay.
Dự án đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm khi vào năm 2007, 2 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X được trang bị đầu dò mới của NCADE đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo. Nền tảng mang phóng được lựa chọn là tiêm kích F-16, chứng minh tính khả thi của giải pháp kỹ thuật.
Theo thông tin được cung cấp, để bắn hạ thành công tên lửa đạn đạo, máy bay mang tên lửa sẽ phải ở trong bán kính 160 km tính từ bãi phóng.
Nếu con số trên nghe có vẻ không thực tế thì vẫn còn là quá tốt, bởi vì vào năm 2012, giới chức quân sự Mỹ đã nhận được những tính toán mới, theo đó phạm vi yêu cầu bị giảm xuống chỉ còn 50 km.
Bên cạnh đó theo "Ủy ban đánh giá khái niệm và hệ thống phòng thủ tên lửa trong giai đoạn tăng tốc" của Hội đồng nghiên cứu quốc gia, một tên lửa đạn đạo bắt đầu giai đoạn tăng tốc vẫn ở độ cao quá lớn để có thể đánh chặn.
Điều này hạn chế mức độ thành công và đặt máy bay chiến đấu vào tình trạng nguy hiểm khi có thể bị phòng không hay tiêm kích của đối phương phản ứng và bắn hạ lúc cố gắng tiếp cận bãi phóng.
Điều này khiến ý tưởng trên không được ủng hộ khi so sánh với phương thức khác. Ví dụ, việc đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn lấy độ cao thông qua tiêm kích là bất lợi so với tên lửa phòng không truyền thống, điển hình như Patriot PAC-3 MSE.
Sau khi xem xét chi tiết, không có gì ngạc nhiên khi Dự án NCADE đã chính thức bị hủy bỏ. Việc thiếu thành tựu trong thời gian dài phát triển cũng được nêu ra như một nguyên nhân chấm dứt tài trợ.
Nhìn chung NCADE là một dự án thú vị nhưng bị sai hướng ngay từ đầu. Hiện tại Mỹ hy vọng tên lửa AIM-174B hoán cải từ SM-6 sẽ thành công hơn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo siêu thanh, căn cứ vào tầm bắn xa cũng như thiết kế của một phương tiện phòng không từ đầu.
Việt Dũng
Theo Defense Express
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/vi-sao-tham-vong-cua-my-dung-tiem-kich-f-16-ban-ha-ten-lua-dan-dao-bat-thanh-post618303.antd