Vì sao thành phố lớn gặp nguy cơ cao khi có động đất?

Vì sao thành phố lớn gặp nguy cơ cao khi có động đất?
3 ngày trướcBài gốc
Trong chương Population explosion and increased earthquake risk to megacities (Bùng nổ dân số và rủi ro động đất gia tăng ở những siêu đô thị) của sách Earthquake Time Bombs (Bom hẹn giờ động đất), tác giả John R. Filson phân tích nguy cơ động đất ngày càng cao tại những khu vực đô thị mật độ dân số cao, đặc biệt là những vùng có hoạt động địa chấn mạnh.
Theo đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cùng cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu khuyết trong phòng bị đã biến nhiều thành phố thành khu vực rủi ro cao. Không thực thi nghiêm ngặt quy chuẩn xây dựng dẫn đến sự xuất hiện các công trình kém chất lượng, dễ sụp đổ khi xảy ra động đất.
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Bangkok, Thái Lan bị sập do ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar ngày 28/3. Ảnh: Reuters.
Tại một số quốc gia, nhiều công trình ở các đô thị lớn xây bằng vật liệu rẻ tiền, không tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các khu nhà ổ chuột nơi hàng triệu người sinh sống. Mật độ dân số cao càng làm tăng nguy cơ, khi quá nhiều người tập trung trong khu vực dễ bị tổn thương mà khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, cứu thương, cứu hộ khẩn cấp thì hạn chế.
Tác giả lấy ví dụ từ các thảm họa trong quá khứ - như trận động đất tại Haiti năm 2010 và Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2008 - để cho thấy các thành phố không có sự chuẩn bị sẽ chịu tàn phá nghiêm trọng.
Sách cũng dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng những quốc gia có cơ sở hạ tầng và chiến lược phòng chống hiệu quả hơn, như Nhật Bản và Chile, thường có thương vong thấp hơn đáng kể dù (thường xuyên) đối mặt với những trận động đất mạnh.
Qua đó, tác giả nhấn mạnh vai trò của chính phủ, nhà hoạch định chính sách và tổ chức xã hội trong việc đảm bảo triển khai các chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong đó, quy hoạch đô thị khoa học là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi các quốc gia siết chặt quy chuẩn xây dựng, sử dụng đất hợp lý và triển khai hệ thống cảnh báo sớm.
Ngoài ra, giáo dục cộng đồng thông qua diễn tập động đất, lập kế hoạch sơ tán hiệu quả và đẩy mạnh tuyên truyền cũng giúp người dân biết cách ứng phó khi xảy ra địa chấn. Tác giả cảnh báo nếu không sớm hành động, các siêu đô thị sẽ tiếp tục là “bom hẹn giờ động đất”, các trận địa chấn lớn tiếp theo có thể gây ra mức tàn phá và thiệt hại về người chưa từng có.
John R. Filson cũng kêu gọi hợp tác quốc tế, nhấn mạnh các quốc gia phát triển nên hỗ trợ tài chính, công nghệ và chuyên môn cho những thành phố có nguy cơ cao nhằm nâng cao khả năng chống chịu động đất.
Phong Khang
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-thanh-pho-lon-gap-nguy-co-cao-khi-co-dong-dat-post1541681.html