Theo PhoneArena, với mỗi thiết kế, các nhà sản xuất smartphone không chỉ chú trọng đến thẩm mỹ mà còn cẩn thận cân bằng giữa tính năng và độ bền.
Các yếu tố như chất liệu, hình dáng, phân bổ trọng lượng và thậm chí độ dày của thiết bị đều được quyết định bởi các nguyên tắc vật lý.
Tất cả yếu tố này phải kết hợp hoàn hảo để đảm bảo chiếc điện thoại không chỉ dễ sử dụng mà còn bền bỉ trước những tác động. Tuy nhiên, không có chiếc điện thoại nào hoàn hảo, nên luôn có những sự đánh đổi.
Hình dáng và cấu trúc
Hình dáng của smartphone là một trong những điều đầu tiên mà người dùng chú ý. Nhiều người dùng hiện nay vẫn đưa ra quyết định mua sắm chủ yếu dựa vào ngoại hình sản phẩm.
Bên cạnh vẻ ngoài ảnh hưởng đến tính thời trang, thì nó cũng mang những đặc điểm vật lý độc đáo, tác động đến độ bền và tính tiện dụng.
Ngày nay, người dùng đã dần chuyển từ những chiếc điện thoại bo tròn sang các thiết kế góc cạnh và có hình chữ nhật. Tất nhiên, cả hai cách tiếp cận này đều có lý do hợp lý.
Những chiếc điện thoại có cạnh phẳng, như dòng iPhone 14 sẽ mang lại độ bền tốt hơn. Lực tác động khi đó được phân bổ đồng đều hơn trên khung vuông, giúp giảm khả năng biến dạng cấu trúc. Ngoài ra, các cạnh phẳng còn tạo ra không gian bên trong rộng rãi hơn cho các linh kiện như pin và cảm biến lớn hơn.
Tuy nhiên, thiết kế này có thể gây cảm giác khó chịu khi sử dụng lâu dài do các cạnh sắc. Theo phóng viên Aleksandar Anastasov của PhoneArena, các cạnh phẳng của iPhone 14 trông rất thời thượng nhưng không thực sự thoải mái khi chơi game kéo dài vì chúng tạo ra áp lực lên lòng bàn tay, đôi khi còn gây đau.
Thiết kế cạnh bo tròn trên Galaxy S23 Ultra với màn hình và các cạnh rất cong. Ảnh: PhoneArena.
Ngược lại, thiết kế cạnh bo tròn, như trên Galaxy S23 Ultra, mang lại sự thoải mái hơn nhờ phù hợp với đường cong tự nhiên của bàn tay.
Tuy nhiên, điểm yếu của thiết kế này là dễ bị hư hỏng hơn khi rơi, do các bề mặt cong tập trung lực va đập. Anastasov cho biết đã có vài người bạn sử dụng điện thoại Galaxy có cạnh cong và chúng thường bị nứt vỡ khá dễ dàng, ngay cả khi đã sử dụng ốp lưng.
Trong vài năm gần đây, các nhà sản xuất đã tìm ra hình dáng phù hợp để cân bằng giữa sự thoải mái và độ bền.
Bằng cách thiết kế điện thoại với cạnh phẳng nhưng bo nhẹ ở các mép, thiết bị vừa đảm bảo tính chắc chắn vừa dễ cầm nắm. Apple đã chuyển sang thiết kế này với series iPhone 15.
Hình dáng sẽ luôn thay đổi, đặc biệt khi công nghệ mới xuất hiện, nhưng hiện tại Anastasov cho rằng điện thoại đã đạt được hình dáng tối ưu, cân bằng hoàn hảo giữa nhiều yếu tố.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết smartphone hiện đại đều có ngoại hình tương tự nhau, với các hãng lớn đều ưu tiên thiết kế theo phong cách này.
Lựa chọn chất liệu, phân bổ trọng lượng và tính tiện dụng
Hình dáng chỉ là một yếu tố trong thiết kế điện thoại. Trong khi đó, chất liệu đang trở thành một trọng tâm quan trọng hơn qua từng năm.
Apple và Samsung đã đi theo hướng cao cấp hơn khi giới thiệu vật liệu như Titanium trên các dòng flagship. Trong khi đó, Motorola lại sáng tạo với mặt lưng bọc da thuần chay, ít bị nứt, bám vân tay và trơn trượt hơn.
Motorola sáng tạo với mặt lưng bọc da thuần chay, ít bị nứt, bám vân tay và trơn trượt hơn. Ảnh: PhoneArena.
Kính cũng là một ứng cử viên sáng giá khi từ lâu đã gắn liền với các dòng điện thoại cao cấp như iPhone và Samsung Galaxy.
Với công nghệ Gorilla Glass, kính mang lại khả năng chống trầy xước và cảm giác cao cấp. Tuy nhiên, kính vốn dễ vỡ và ngay cả các phiên bản kính cường lực cũng có thể nứt khi va chạm mạnh.
Kim loại cũng là chất liệu phổ biến, ngay cả với các dòng điện thoại phân khúc thấp hơn. Nhôm là lựa chọn phổ biến nhất cho khung máy, trong khi Titanium dần thay thế thép không gỉ ở các dòng cao cấp.
Kim loại mang lại độ bền chắc và khả năng tản nhiệt tốt nhất. Tuy nhiên, do không hỗ trợ sạc không dây, chúng không còn được dùng làm mặt lưng nữa.
Ngoài kính và kim loại, còn có nhựa, chất liệu thường liên quan đến các thiết bị giá rẻ. Polycarbonate mang lại khả năng chống va đập và tính linh hoạt tuyệt vời. Nó cũng nhẹ hơn kính và kim loại, khiến việc cầm nắm điện thoại trở nên thoải mái hơn.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà Anastasov gặp phải với chất liệu này là nó khó tái chế và tái sử dụng hơn so với kính và kim loại, trong bối cảnh mà tính bền vững trở thành mối quan tâm lớn đối với các nhà sản xuất.
Bạn đã bao giờ cầm một chiếc điện thoại mà cảm giác nặng hơn so với kích thước thực tế của nó? Điều này thường do phân bổ trọng lượng không đồng đều.
Những chiếc điện thoại có các linh kiện bên trong được phân bổ hợp lý sẽ tạo cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn, ngay cả khi trọng lượng thực tế của nó khá lớn.
Để khắc phục, các nhà thiết kế sẽ sắp xếp chiến lược các thành phần như pin, bộ xử lý và mô-đun camera để tránh việc thiết bị bị nặng ở phần trên hoặc phần dưới. Những chi tiết nhỏ như vậy hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng mà người dùng không nhận ra.
Vivo X200 Pro mang lại cảm giác nặng ở phần trên do mô-đun camera lớn khiến trọng lượng của nó phân bổ không đồng đều. Ảnh: PhoneArena.
Một ví dụ điển hình về chiếc điện thoại bị nặng ở phần trên là Vivo X200 Pro. Do mô-đun camera lớn đặt ở phía trên, trọng lượng của nó phân bổ không đồng đều. Ngược lại, iPhone 15 Pro Max mang lại cảm giác thoải mái hơn nhờ phân bổ trọng lượng hợp lý.
Điện thoại gập là dòng sản phẩm cần cải tiến nhiều nhất về phân bổ trọng lượng và tính tiện dụng, vì một bên có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn đáng kể so với bên còn lại.
May mắn thay, một số thiết bị mới ra mắt như Honor Magic V3 đã có thiết kế thông minh, giúp phân bổ trọng lượng tốt hơn, mang lại cảm giác thoải mái khi cầm nắm so với các phiên bản điện thoại gập khác trên thị trường.
Thiết kế smartphone là sự cân bằng tinh tế giữa thẩm mỹ, tính năng và thực tế sử dụng. Mỗi đường cong, chất liệu và cách sắp xếp linh kiện đều có mục đích, dù là để tăng độ bền, cải thiện tính tiện dụng hay tối ưu hóa hiệu suất.
Từ việc chuyển sang các cạnh phẳng để tăng độ chắc chắn, đến việc áp dụng các vật liệu như Titanium và da thuần chay, mọi lựa chọn đều ảnh hưởng đến cách người dùng tương tác với thiết bị.
Anh Tuấn