Ngày 21/2, giờ Washington, nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng sau lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, chính quyền của ông đã tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận với Ukraine về quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản của nước này, để đổi lấy hàng tỉ đô la mà Mỹ đã hỗ trợ cho quốc gia này trong cuộc chiến chống lại Nga.
“Các bạn biết đấy, tôi nghĩ họ muốn điều đó và họ cảm thấy tốt về điều đó bởi nó rất có ý nghĩa. Đó là một vấn đề lớn lao, nhưng họ muốn nó. Và việc này giúp chúng tôi ở lại đất nước đó và họ hài lòng về điều đó. Chúng tôi cũng lấy lại được tiền của mình.”, ông Trump nói, cho rằng, việc kí một thỏa thuận như vậy đáng ra nên làm từ thời chính quyền của người tiền nhiệm Joe Biden.
Ông Trump cũng nhấn mạnh, cuộc chiến đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra. Và nó đáng ra cần giải quyết ngay từ những tuần đầu tiên, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ.
Ông cho biết, hiện tại, việc giải quyết cuộc xung đột khó khăn hơn, nhưng sẽ giải quyết được.
Cùng ngày 21/2, phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC), Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, Mike Waltz, cho biết, điểm mấu chốt là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ kí thỏa thuận và điều đó sẽ diễn ra rất sớm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) chào đón đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại văn phòng của ông ở Kyiv, ngày 20/2. Ảnh: Sergei Supinsky / AFP.
Thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận khoáng sản đất hiếm của Ukraine, là một phần trong các cuộc đàm phán rộng hơn nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, vốn đã kéo dài 3 năm qua.
Trước đó, ngày 19/2, nói với Fox News sau chuyến thăm Kyiv, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, với thỏa thuận này, Tổng thống Trump đang tạo ra mối quan hệ đối tác “cùng có lợi” giữa Mỹ và Ukraine.
“Một phần chuyến đi của tôi là để nói với người dân Ukraine rằng, chúng tôi muốn hợp tác kinh tế với họ. Vì vậy, tầm nhìn của Tổng thống Trump là đưa người dân Ukraine và người dân Mỹ xích lại gần nhau hơn về mặt kinh tế, cho người dân Ukraine thấy rằng, chúng tôi ủng hộ họ, cũng cho người Mỹ thấy rằng, số tiền đã đổ vào Ukraine sẽ có lợi, và rằng sẽ có một mối quan hệ đối tác lâu dài.”, ông Bessent lưu ý.
Video cuộc gặp Zelensky- Kellogg tại Kyiv ngày 20/2. Nguồn: ZelenskyyUa
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Mike Waltz, cũng nhấn mạnh, thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội cho hoạt động đầu tư của Mỹ vào Ukraine, điều vô hình chung cũng mang lại sự đảm bảo an ninh tốt nhất mà Kyiv có thể hi vọng.
Chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách thu hồi nguồn viện trợ cho quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá, bằng cách tiếp cận nguồn đất hiếm và những khoáng sản có giá trị như titan, sắt và uranium… vốn có trữ lượng hàng đầu ở châu Âu.
Ngày 21/2, phát biểu sau cuộc gặp với đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, cựu tướng Keith Kellogg và sau những lời qua tiếng lại có phần gay gắt giữa hai nguyên thủ quốc gia, ông Zelensky xác nhận, các nhóm của Ukraine và Mỹ đang làm việc về một dự thảo thỏa thuận và ông hi vọng có một kết quả công bằng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Kyiv, ngày 12/2. Ảnh: Tetiana Dzhafarova/AFP/Getty.
Trước đó, ngày 19/2, ông Zelensky đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ về khoản tiền 500 tỉ đô la từ nguồn khoáng sản của Ukraine để hoàn trả cho Washington số tiền viện trợ quân sự. Ông Zelensky nói rằng, Mỹ đã cung cấp số tiền không lớn đến như vậy cho đến nay và không đưa ra bất kì đảm bảo an ninh cụ thể nào trong thỏa thuận. Động thái khiến ông Trump nổi giận tức thời.
Ukraine có các mỏ khoáng sản chiến lược giá trị mà Mỹ muốn, bao gồm uranium, lithium, coban, đất hiếm và nhiều loại khoáng sản khác nữa, được sử dụng trong các ứng dụng như pin, công nghệ và hàng không vũ trụ.
Trong bài phát biểu ngày 21/2, ông Zelensky gọi cuộc tiếp xúc với tướng Kellogg là “cuộc gặp khôi phục hi vọng”; nhấn mạnh, Kyiv cần những thỏa thuận mạnh mẽ với Mỹ có thể giúp tăng thêm sức nặng cho mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Zelensky cho biết đã chỉ thị cho nhóm của mình làm việc nhanh chóng và sáng suốt về hồ sơ thỏa thuận để sự hợp tác thực sự mang lại hiệu quả.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống đảm bảo an ninh rõ ràng, đáng tin cậy để đảm bảo rằng chiến tranh không bao giờ quay trở lại. Và, hòa bình là điều cần thiết cho cả Ukraine, châu Âu, nước Mỹ cũng như toàn thế giới.