Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - đã tăng 2,3% so với cùng kỳ trong tháng 5, cao hơn một chút so với mục tiêu 2% của Fed.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,4% so với cùng kỳ trong tháng 5, thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Theo các chuyên gia, lạm phát thấp phản ánh một loạt biện pháp ngắn hạn mà doanh nghiệp triển khai nhằm giảm thiểu tác động của thuế quan, như đặt hàng sớm, chấp nhận hấp thụ một phần chi phí để tránh tăng giá bán, và tận dụng các lỗ hổng chính sách để hoãn hoặc giảm nghĩa vụ thuế.
“Nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo và linh hoạt trong việc ứng phó với cú sốc ban đầu”, chuyên gia kinh tế trưởng Gregory Daco của EY-Parthenon nhận định với CBS MoneyWatch.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nghiệp - những đối tượng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao trong đại dịch - đã thoát khỏi rủi ro. Chuyên gia Gennadiy Goldberg, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ tại TD Securities, cho rằng giá cả nhiều khả năng sẽ tăng trở lại khi chi phí nhập khẩu bị đẩy lên trong nửa cuối năm.
“Chúng tôi cho rằng vài tháng tới sẽ bắt đầu thấy rõ tác động từ chính sách thương mại mới lên mặt bằng giá, và điều này sẽ kéo theo áp lực lạm phát”, Goldberg nói.
Dưới đây là 3 lý do khiến lạm phát tại Mỹ chưa tăng mạnh, ít nhất là tới thời điểm hiện tại:
Tích trữ hàng hóa trước khi thuế áp dụng
Sau khi chính quyền Trump công bố loạt thuế quan nhằm vào Canada, Trung Quốc, Mexico và hàng chục quốc gia khác, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nhập khẩu trước hàng hóa, linh kiện và nguyên vật liệu để tránh bị đánh thuế.
“Họ tranh thủ nhập hàng trước khi thuế có hiệu lực. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên của họ”, ông Daco cho biết.
Lượng hàng tồn kho này vẫn đang được lưu trữ hoặc bày bán, giúp trì hoãn áp lực tăng giá.
“Nhiều nhà bán lẻ đã đặt trước hàng tồn kho, nên hàng hiện tại vẫn chưa bị đội giá”, ông Goldberg giải thích.
Chờ chính sách rõ ràng hơn
Một số doanh nghiệp chọn cách tạm thời không tăng giá, chờ tình hình chính sách thương mại Mỹ trở nên rõ ràng hơn.
Hồi tháng 4, chính quyền Trump đã đóng băng phần lớn thuế quan trong 90 ngày để đàm phán, thời gian ân hạn này sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Sau khi tuyên bố áp thuế lên tới 145% với hàng Trung Quốc, ông Trump và Bắc Kinh gần đây cho biết đã đạt được khuôn khổ thỏa thuận thương mại.
“Trong 5 tháng qua, chính sách thuế quan thay đổi liên tục. Trong môi trường bất định như vậy, doanh nghiệp có xu hướng thận trọng, không vội tăng giá”, giáo sư Charley Ballard từ Đại học Bang Michigan nhận định.
Doanh nghiệp thường ngại tăng giá do lo sợ mất khách vào tay đối thủ.
“Nhiều công ty chọn trì hoãn, chờ đợi, sử dụng hàng tồn kho sẵn có và điều chỉnh chiến lược giá một cách linh hoạt”, ông Daco bổ sung.
Thậm chí, một số nhà xuất khẩu nước ngoài cũng chấp nhận chịu thiệt để giữ giá cạnh tranh.
Thuế thực tế thấp hơn công bố
Dù ông Trump tuyên bố các mức thuế rất cao, thuế suất thực tế thu về tại cửa khẩu Mỹ lại thấp hơn nhờ nhiều cách né thuế hợp pháp như lưu kho tại các “khu vực thương mại tự do”.
“Doanh nghiệp có thể dùng kho ngoại quan hoặc khu thương mại tự do để trì hoãn nghĩa vụ thuế cho đến khi đưa hàng ra thị trường”, ông Daco giải thích.
Ngoài ra, Mỹ còn áp dụng nhiều diện miễn trừ và loại trừ thuế quan, khiến mức thuế thực tế thấp hơn nhiều so với con số công bố ban đầu.
Tính đến tháng 6, thuế suất hiệu quả với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ khoảng 10%, so với mức thuế danh nghĩa trung bình 15% do Nhà Trắng công bố.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp không thể kìm giá mãi nếu thuế quan vẫn duy trì ở mức cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh trước Quốc hội rằng thuế quan có thể đẩy lạm phát lên cao hơn, dự kiến bắt đầu từ mùa hè này.
“Nguyên nhân một phần là do tính chất ngắt quãng trong triển khai thuế”, James Rossiter, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu tại TD Securities, nhận định và cho rằng: “Vấn đề chỉ là thời gian. Chúng tôi cho rằng tháng 7 sẽ bắt đầu thấy rõ tác động hơn”.
Đại Hùng