Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?

Vì sao thuốc lá điện tử dễ gây nghiện nhưng lại khó bỏ?
13 giờ trướcBài gốc
Thuốc lá điện tử gây nghiện cao hơn thuốc lá truyền thống
Các số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử không những không bỏ được thuốc lá điếu mà lại rơi vào tình trạng “nghiện kép”: Vừa dùng thuốc lá truyền thống vừa sử dụng thuốc lá điện tử. Theo đó, trong thuốc lá điện tử có chất nicotine gây nghiện cao hơn so với thuốc lá truyền thống do được hấp thụ nhanh hơn nhờ vào đặc tính hít sâu khi hút và chất này cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
TS.BS Nguyễn Nam Hà, Trưởng Chi hội Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về tác hại và các phương pháp cai nghiện thuốc lá điện tử cho hơn 200 sinh viên Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2023 đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó có 81 người sử dụng lần đầu và hơn 1.100 người từng dùng một thời gian. Bộ Y tế khẳng định, đây là con số rất đáng lo ngại, có trường hợp có dấu hiệu rối loạn nghiêm trọng. Tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng gặp nhiều ca bị tổn thương phổi cấp, một bệnh mới do thuốc lá điện tử.
Theo các chuyên gia y tế, tất cả các loại thuốc lá đều có hại bởi thành phần chính là nicotine. Tuy nhiên, với thuốc lá điện tử, mức độ gia tăng nghiện rất nhanh. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh chóng. TS.BS Nguyễn Nam Hà, Trưởng Chi hội Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với thuốc lá điện tử, ngoài nicotine còn có thể chứa các chất khác mà người dùng không biết rõ, vì mỗi nhà sản xuất có thể đưa vào những thành phần khác nhau. Một số chất thậm chí có thể là ma túy, gây hại cho cơ thể.
“Thuốc lá điện tử có thể còn nguy hiểm hơn cả thuốc lá thông thường, vì ngoài nicotine, nó còn chứa các chất tạo hương như benzene và phenol là những chất gây mùi thơm nhưng cũng có thể gây hại cho sức khỏe”, TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh.
Phân tích về các yếu tố khiến nhiều người khó cai được thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Nam Hà cho rằng, việc từ bỏ thuốc điện tử khó khăn hơn, do ảnh hưởng đến cả thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Cụ thể, khi cơ thể mệt mỏi hoặc ốm yếu, người ta có xu hướng tìm đến các chất kích thích như thuốc lá để cảm thấy khỏe hơn; về tâm lý người hút thuốc lá có thể cảm thấy tự tin, vững vàng hơn khi hút thuốc, dẫn đến sự phụ thuộc tâm lý vào hành vi hút thuốc.
TS.BS Nguyễn Nam Hà cho biết, môi trường xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cai thuốc lá. Sự khuyến khích, lôi kéo từ bạn bè, đồng nghiệp dù vô tình cũng có thể khiến người ta ngày càng phụ thuộc vào thuốc lá. “Trong một nhóm bạn mà ai cũng hút thuốc để xã giao thì sẽ rất khó để bạn bỏ thuốc”, bác sĩ Hà khẳng định.
Bên cạnh đó, ThS.BS Nguyễn Duy Quốc Khánh, Thư ký Chi hội Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP Hồ Chí Minh cho biết, người hút thuốc lá điện tử có thể nghiện ở cả 3 dạng gồm: Thể chất, hành vi và tâm lý. Bác sĩ Khánh lý giải, đối với nghiện thể chất trong thuốc lá điện tử có nicotine kích thích não bộ sản sinh dopamine là chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn, còn gọi là “hormone hạnh phúc”. Cảm giác này lặp đi lặp lại khiến người hút hình thành phản xạ có điều kiện, tìm đến thuốc lá mỗi khi buồn chán hoặc thiếu năng lượng.
Còn đối với nghiện tâm lý thì nhiều người coi thuốc lá điện tử như một công cụ giải tỏa căng thẳng, tìm kiếm sự thoải mái. Lâu dần họ lệ thuộc vào nó về mặt tinh thần. Còn nghiện về hành vi là họ xem việc hút thuốc lá điện tử trở thành một thói quen khó bỏ, gắn liền với các hoạt động hàng ngày như uống cà phê, gặp gỡ bạn bè.
“Nghiện thuốc lá điện tử không chỉ là nghiện chất nicotine mà còn len lỏi vào tâm lý, hành vi hàng ngày của chúng ta và làm cho chúng ta phải lệ thuộc. Chính vì vậy khiến việc cai thuốc lá điện tử trở nên khó khăn hơn”, bác sĩ Nguyễn Duy Quốc Khánh nhấn mạnh.
Làm sao để cai nghiện thuốc lá điện tử?
Theo các chuyên gia y tế, để người nghiện thuốc lá điện tử có thể cai được thuốc lá thành công thì cần phải có giải pháp toàn diện, kết hợp các biện pháp hỗ trợ về thể chất, tâm lý và xã hội. Bác sĩ Nguyễn Nam Hà cho rằng, để duy trì sức khỏe và hỗ trợ quá trình bỏ thuốc cần đảm bảo đầy đủ 3 yếu tố cơ bản: Tâm lý tích cực, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể thao đều đặn. Đây chính là “kiềng ba chân” giúp người cai thuốc duy trì thể trạng và tinh thần ổn định.
“Trong cai nghiện thuốc lá, thuốc lá điện tử tâm lý, tinh thần là yếu tố rất quan trọng. Khi bị lệ thuộc vào nicotine do chất này ngấm vào trong não, gây ra cảm giác khó bỏ thì chúng ta cần tâm lý tích cực để vượt qua. Để có tâm lý tích cực, các bạn có thể tham gia các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người khác, hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ, người cao tuổi, tham gia các sự kiện thiện nguyện…; cố gắng học tập, làm việc đạt kết quả tốt, điều này giúp tạo ra niềm vui và thành tựu, từ đó quên dần cảm giác thèm nicotine, quên thuốc lá điện tử”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Bác sĩ Hà nhấn mạnh, để khơi dậy động lực bỏ thuốc ở giới trẻ, cần tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh và dễ tiếp cận. Các buổi talkshow, chương trình giáo dục sức khỏe được thiết kế phù hợp với tâm lý lứa tuổi sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn của thuốc lá, từ đó hình thành ý thức tự giác cai nghiện. "Tuy nhiên, để có thể dễ dàng từ bỏ thuốc lá, thuốc lá điện tử, chúng ta cần sự hỗ trợ từ những cộng đồng nhỏ hơn, như trường học, lớp học, nhóm bạn… qua đó các bạn phải hỗ trợ nhau, tạo thành sức mạnh tập thể để cùng nhau vượt qua thuốc lá điện tử", bác sĩ Hà cho biết.
Điển hình như mới đây, nhóm sinh viên ngành Quản trị Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học FPT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chuỗi sự kiện kéo dài 15 ngày với tên gọi “Smoke Off Move On” với thông điệp “Áp dụng kế hay, chia tay khói thuốc”. Chuỗi sự kiện không chỉ mang đến những hoạt động trải nghiệm mà còn có buổi nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia y tế về tác hại của thuốc lá điện tử, các phương pháp cai thuốc lá và thuốc lá điện tử lành mạnh. Chuỗi sự kiện này đã thu hút hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Song song với những phương pháp tự nhiên, bác sĩ Hà cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp y học hỗ trợ. Cụ thể, trong Tây y có thể sử dụng miếng dán nicotine liều thấp, thuốc xịt hoặc thuốc tiêm dưới da để dần giảm lượng nicotine đưa vào cơ thể một cách an toàn và kiểm soát. Ngoài ra, trong y học cổ truyền có các phương pháp như châm cứu, day huyệt đạo, uống thuốc nam cũng có thể hỗ trợ cai nghiện. Các phương pháp này tuy có tác dụng chậm hơn nhưng lại có hiệu quả kéo dài và ổn định.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Trong nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.
Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/y-te/vi-sao-thuoc-la-dien-tu-de-gay-nghien-nhung-lai-kho-bo-20250421212619678.htm