Chiến thuật bay thấp của F-16
Hình ảnh ấn tượng này đã cung cấp cái nhìn về cách Ukraine triển khai phi đội F-16 mới trong cuộc xung đột đang diễn ra, làm nổi bật chiến thuật hoạt động trên không của nước này.
Phi đội F-16. Ảnh: Getty
Chuyến bay tầm thấp của tiêm kích F-16 được cho là động thái được tính toán kỹ lưỡng dựa trên chiến lược quân sự. Các phi công Ukraine vận hành những máy bay F-16 này ở độ cao tối thiểu, thường dưới 150m, để tránh hệ thống radar của Nga.
Chiến thuật bay thấp cho phép máy bay chiến đấu sử dụng địa hình đồi núi, thung lũng và rừng cây rậm rạp như một lá chắn tự nhiên khiến đối phương khó phát hiện. Đây là một lợi thế quan trọng đối với Ukraine trong vùng chiến sự nơi Nga duy trì các mạng lưới phòng không tinh vi như S-300 và S-400. Các hệ thống phòng không này rất hiệu quả trong việc theo dõi các mục tiêu ở độ cao lớn nhưng lại khó nắm bắt mục tiêu bay thấp - nơi tín hiệu radar có thể bị che khuất.
Ngoài khả năng tàng hình, việc bay tầm thấp còn giúp tăng cường độ chính xác cho nhiệm vụ tấn công của tiêm kích F-16. Phi công có thể phát hiện mục tiêu bằng hình ảnh và phóng đạn dược chính xác vào các vị trí, tuyến tiếp tế hoặc cơ sở hạ tầng của Nga.
Tuy nhiên, chiến thuật này đi kèm với rủi ro nhất định, khiến máy bay chiến đấu phải đối mặt với các mối đe dọa trên mặt đất như hệ thống phòng không di động [MANPADS] và súng phòng không, đồng thời đòi hỏi kỹ năng và sự phối hợp đặc biệt giữa phi công với lực lượng mặt đất. Đối với Ukraine, cách tiếp cận này phản ánh một chiến lược rộng lớn hơn là tích hợp công nghệ phương Tây trong chiến lược tấn công khi không bên nào đạt được ưu thế trên không.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay F-16 của Ukraine bay bám sát mặt đất. Kể từ lần đầu tiên hoạt động tại Ukraine vào tháng 8/2024, tiêm kích này đã thực hiện các hoạt động tương tự. Vào ngày 9/2/2025, video đăng tải trên X cho thấy chiếc F-16 thực hiện hoạt động bay thấp. Một ngày sau (10/2), một video khác cho thấy chiếc F-16AM được trang bị bom lượn và tên lửa không đối không bay gần mặt đất.
Những hoạt động lặp đi lặp lại này cho thấy mô hình chiến thuật nhất quán khi Ukraine tích hợp máy bay chiến đấu vào chiến lược phòng thủ, cân bằng rủi ro và cơ hội trong một cuộc chiến kéo dài.
Tính đến ngày 23/2/2025, Ukraine đang vận hành một phi đội F-16 khá khiêm tốn, mặc dù số lượng máy bay chính xác vẫn chưa được tiết lộ vì lý do an ninh. Theo một số báo cáo, Ukraine hiện có hơn 10 tiêm kích F-16 đang hoạt động, hầu hết từ các đợt bàn giao ban đầu của Đan Mạch và Hà Lan vào năm 2024. Các đối tác phương Tây đã cam kết chuyển giao tổng cộng khoảng 80 máy bay F-16 cho Kiev. Tuy nhiên, việc bàn giao đang gặp phải nhiều trở ngại.
Bỉ có kế hoạch bàn giao 2 tiêm kích F-16 cho Ukraine vào cuối năm 2024 nhưng đã thông báo hoãn lại kế hoạch vào tháng 12/2024, với lý do thiếu phi công và phụ tùng thay thế. Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết, việc chuyển giao dự kiến diễn ra vào năm 2025. Điều này làm nổi bật những thách thức về mặt hậu cần khi tích hợp những máy bay phức tạp này vào nỗ lực chiến đấu của Ukraine.
Dàn vũ khí của F-16
Những chiếc F-16 mà Ukraine sở hữu chủ yếu là các biến thể F-16AM/BM, các mẫu nâng cấp giữa vòng đời của thiết kế F-16A/B Block 15. Các nước NATO hiện đang loại bỏ dần loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này để chuyển sang sử dụng tiêm kích F-35 tiên tiến của Mỹ. Dù vậy, những chiếc F-16 mà phương Tây bàn giao đã được hiện đại hóa với hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến phù hợp với nhu cầu của Kiev. Chúng có radar AN/APG-66(V)2 của tập đoàn Northrop Grumman, cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu trên không và trên mặt đất, kết hợp với hệ thống điện tử AN/ALQ-131 của Raytheon, cung cấp các biện pháp đối phó điện tử mạnh mẽ để gây nhiễu radar và hệ thống dẫn đường tên lửa của đối phương.
Phi công cũng sử dụng Thiết bị tích hợp trên mũ có thể tháo rời thế hệ mới (JHMCS), cho phép nhắm mục tiêu chính xác vào tên lửa ngoài tầm ngắm. Đối với nhiệm vụ chiến đấu trên không, tiêm kích f-16 mang theo tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, tầm nhiệt, thường là các biến thể AIM-9L/M hoặc AIM-9X, và tên lửa tầm trung AIM-120C-5 hoặc AIM-120C-7, vượt trội hơn so với tên lửa R-27 và R-73 từ thời Liên Xô mà lực lượng không quân Ukraine trước đây từng sử dụng.
Ngoài ra, tiêm kích F-16 được trang bị các loại bom dẫn đường chính xác như Bom đường kính nhỏ GBU-39/B có cánh giúp mở rộng phạm vi tấn công hay tên lửa chống bức xạ radar AGM-88 HARM để nhắm vào các địa điểm radar của Nga.
Máy bay F-16 cũng được trang bị pháo M61A1 Vulcan 20mm để tham gia các cuộc không chiến tầm gần. Việc lắp các bình nhiên liệu bên ngoài giúp mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay lên đến hơn 1.500 km, có thể bao phủ tiền tuyến rộng lớn của Ukraine. Máy bay có 6 giá treo vũ khí, cho phép điều chỉnh tải trọng linh hoạt, cân bằng giữa vai trò phòng không và tấn công mặt đất.
Việc nâng cấp chiến đấu cơ F-16 phản ánh nỗ lực chung của phương Tây nhằm tăng cường năng lực không quân của Ukraine để đối phó với lực lượng không quân Nga vượt trội về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, quy mô nhỏ của phi đội F-16 và việc thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ đầy đủ của NATO đã hạn chế tiềm năng của chiến đấu cơ này, buộc Ukraine phải dựa vào các hoạt động phân tán và những chiến thuật đặc biệt như bay tầm thấp. Theo giới phân tích, việc điều khiển F-16 bay tầm thấp là minh chứng cho quyết tâm của Ukraine trong nỗ lực thích nghi và đối phó với những thách thức trên bầu trời trong một cuộc chiến không ngừng nghỉ.
Các nhà phân tích quân sự Nga thường xuyên nhấn mạnh đến việc nhắm mục tiêu vào tiêm kích F-16 trên mặt đất, trích dẫn khả năng dễ bị tấn công của chúng trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh. Nga được cho là đang đặt mục tiêu phá vỡ khả năng duy trì và vận hành các chiến đấu cơ tiên tiến của Ukraine, nhằm bảo toàn ưu thế trên không của Nga và hạn chế khả năng phản công của Kiev.
Hồng Anh/VOV.VN (tổng hợp) Theo Bulgaria Military, Newsweek