Hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Apple ngoài Mỹ, chiếm 17% doanh thu trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9. Tuy nhiên, doanh thu năm nay vẫn giảm. Ảnh: Newsbyte.
Ngày 25/11, CEO Tim Cook đã đến Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 CEO Táo khuyết ghé thăm quốc gia tỷ dân trong năm nay. Theo Financial Times, động thái này thể hiện nỗ lực của tập đoàn Mỹ nhằm thích nghi với môi trường pháp lý phức tạp và mang Apple Intelligence đến với các thiết bị được bán tại đây.
Không dễ để Apple Intelligence được phê duyệt
Trong vài tháng qua, Apple đã tổ chức nhiều buổi đàm phán với các công ty công nghệ Trung Quốc nhằm hỗ trợ triển khai Apple Intelligence tại quốc gia tỷ dân. Ở các quốc gia khác, Apple đã bắt đầu giới thiệu các tính năng AI mới trên iPhone và các thiết bị khác từ tháng trước.
Tuy nhiên, theo 2 nguồn tin nội bộ, Apple cũng đang xem xét việc vận hành các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng mình tại Trung Quốc. Song, quá trình này gặp phải trở ngại lớn.
Một quan chức cao cấp thuộc Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) khẳng định rằng quá trình phê duyệt dành cho các công ty nước ngoài sẽ phức tạp và kéo dài. Vị quan chức này nhấn mạnh rằng hợp tác với các nhóm địa phương sẽ là con đường khả thi nhất để Apple triển khai công nghệ của mình.
Tim Cook đã đến thăm Trung Quốc lần thứ 3 trong năm nay. Ảnh: Lucille Liu/Bloomberg.
Phát biểu tại Hội nghị Internet thế giới 2024 tổ chức tại Nghĩa Ô, phía tây Thượng Hải, quan chức cho biết các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài sẽ dễ được phê duyệt nếu sử dụng các mô hình ngôn ngữ đã được kiểm tra và chấp thuận từ các công ty Trung Quốc.
Đây là quy trình bắt buộc đối với mọi công ty muốn cung cấp dịch vụ AI tạo sinh cho công chúng tại Trung Quốc, bao gồm các thử nghiệm chính thức đối với LLM của họ.
Năm nay, Táo khuyết tập trung tái định vị chiến lược xoay quanh AI. Gã khổng lồ Cupertino kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ nâng cấp thiết bị để trải nghiệm các tính năng mới, chỉ khả dụng trên những dòng iPhone đời mới nhất.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, doanh số của Apple đang sụt giảm do chiến dịch của chính phủ nhằm hạn chế sử dụng iPhone trong các cơ quan nhà nước. Kèm theo đó là làn sóng người dùng bài ngoại do căng thẳng Mỹ-Trung.
Bên cạnh đó, sự trở lại mạnh mẽ của Huawei - “niềm tự hào quốc gia” của Trung Quốc - với các sản phẩm tích hợp AI tạo sinh càng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho tập đoàn. Các thiết bị mới của Huawei đã tích hợp đầy đủ các tính năng AI.
Tại Mỹ, mô hình AI của Apple đã được tích hợp vào Siri, công cụ hỗ trợ viết, chỉnh sửa ảnh và tạo biểu tượng emoji. Những tính năng này được vận hành nhờ kết hợp giữa xử lý trực tiếp trên thiết bị và hệ thống đám mây của hãng. Với các tác vụ phức tạp hơn, Apple dùng mô hình lớn hơn từ OpenAI.
Nếu Táo khuyết không thể sử dụng mô hình AI của mình tại Trung Quốc, công ty sẽ phải dựa hoàn toàn vào các đối tác địa phương để cung cấp các tính năng AI trên iPhone tại đây, theo Financial Times.
Apple tìm đối tác nội địa
Để vượt qua các rào cản này, tập đoàn Mỹ đã thảo luận với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Baidu - gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến, ByteDance - công ty đứng sau TikTok, và Moonshot - start-up nổi tiếng với chatbot Kimi AI.
Theo 3 nguồn tin thân cận, các cuộc thảo luận này nhằm hướng đến việc sử dụng các mô hình AI đã được phê duyệt sẵn từ các đối tác Trung Quốc, qua đó rút ngắn thời gian phê duyệt và đảm bảo khả năng hoạt động tại thị trường quan trọng này.
Hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Táo khuyết ngoài Mỹ, chiếm 17% doanh thu trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9. Tuy nhiên, doanh thu tại quốc gia này đã giảm 8% so với năm trước đó.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, Tim Cook chia sẻ với truyền thông địa phương rằng Apple đang “làm việc chăm chỉ” để đưa Apple Intelligence đến với người tiêu dùng Trung Quốc. Ông cho biết: “Chúng tôi cần hoàn thành quy trình pháp lý cụ thể và hy vọng có thể mang công nghệ này đến với người dùng trong thời gian sớm nhất”.
Ở các quốc gia khác, Apple đã bắt đầu giới thiệu các tính năng AI mới trên iPhone và các thiết bị khác từ tháng trước. Ảnh: ZDNET.
Samik Chatterjee, nhà phân tích tại JPMorgan, nhận định rằng quy trình pháp lý tại Trung Quốc vẫn còn “khá mơ hồ” đối với Apple và các công ty quốc tế khác. Ông cho rằng tập đoàn Mỹ có thể sẽ chọn cách tiếp cận linh hoạt hơn. Hãng có thể hợp tác không chỉ với Baidu mà còn cả các công ty nhỏ hơn trong nước, dễ bề được chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, quy trình pháp lý không chắc chắn có thể sẽ kéo dài thời gian triển khai Apple Intelligence tại Trung Quốc đến nửa sau năm 2025, hoặc thậm chí xa hơn, theo Samik Chatterjee.
Thúy Liên