Vì sao Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel bị một quận ở Đà Nẵng cấm thầu 3 năm?

Vì sao Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel bị một quận ở Đà Nẵng cấm thầu 3 năm?
4 giờ trướcBài gốc
Bị cấm thầu sau khi đã trúng thầu
Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã ký quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel.
Quyết định này xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu đối với gói thầu Xây lắp, thiết bị thu hồi vật tư thuộc dự án Nhà làm việc UBND phường Mân Thái.
Lý do xử phạt là nhà thầu Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel có hành vi gian lận trong hoạt động đấu thầu theo khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu.
Theo đó, nhà thầu bị cấm thầu do gian lận bao gồm các hành vi làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Trụ sở UBND phường Mân Thái, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu 3 năm đối với các dự án do UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư đối với nhà thầu Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel.
Ban Quản lý Dự án và Giải phóng Mặt bằng quận Sơn Trà, Phòng Tài chính – Kế toán căn cứ nội dung này để tổ chức thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Gói thầu Xây lắp, thiết bị thu hồi vật tư thuộc dự án Nhà làm việc UBND phường Mân Thái do Ban Quản lý Dự án và Giải phóng Mặt bằng quận Sơn Trà mời thầu với giá hơn 13,1 tỷ đồng.
Có 3 đơn vị tham gia gói thầu là Liên danh Nam Vinh – Châu Ngân Phú – Poso; Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel và Liên danh UBND phường Mân Thái gồm Liên Tiến Thịnh – Focus Solar – Kiến Phát.
Kết quả đánh giá về kỹ thuật, Liên danh Nam Vinh – Châu Ngân Phú – Poso không đạt.
Giá dự thầu sau hiệu chỉnh sai lệch thừa, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel xếp hạng 1 với hơn 11,1 tỷ đồng; Liên danh UBND phường Mân Thái xếp hạng 2 với hơn 11,7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Sơn Trà đã phê duyệt kết quả lựa chọn Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel trúng gói thầu này với giá hơn 11,1 tỷ đồng, đã bao gồm thuế VAT. Thời gian thực hiện gói thầu là 180 ngày.
Tuy nhiên, đến ngày 22/1, ông Hoàng Sơn Trà ký quyết định 255/QĐ-UBND về việc hủy thầu kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu Xây lắp, thiết bị và thu hồi vật tư thuộc dự án Nhà làm việc UBND phường Mân Thái.
Trước đó, vào tháng 12/2024, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel từng bị UBND thành phố Quảng Ngãi cấm tham gia đấu thầu 4 năm đối với các dự án do địa phương này quản lý, thực hiện vì có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ dự thầu tại Gói thầu số 11, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình thuộc Dự án Đầu tư, nâng cấp các trường THCS trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, vi phạm điểm b khoản 4 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023.
Sức khỏe tài chính Viettel Construction thế nào?
Theo báo cáo tài chính do ông Phạm Đình Trường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel ký, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 12.612 tỷ đồng, tăng 1.242 tỷ đồng so với mức 11.370 tỷ đồng của năm 2023. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trong năm 2024 so với năm 2023 là 10,9%.
Về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp này đạt 674,3 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 16,5 tỷ đồng (tương đương 2,5%) so với 657,8 tỷ đồng của năm 2023. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng không mạnh như doanh thu, nhưng đây vẫn là một dấu hiệu cho thấy sự hiệu quả trong quản lý chi phí và hoạt động kinh doanh.
Lợi nhuận sau thuế của Viettel Construction đạt 538,7 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 14,1 tỷ đồng so với 524,6 tỷ đồng của năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 2,7%.
Đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn của Viettel Construction đạt 7.067 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng so với 6.991 tỷ đồng đầu năm. Mặc dù tổng nguồn vốn có sự tăng trưởng nhẹ (1,1%), nhưng doanh nghiệp này đang phải đối mặt với một sự gia tăng đáng chú ý về nợ phải trả.
Cụ thể, nợ phải trả của công ty đến cuối năm 2024 là 5.204 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng (tương đương 4,2%) so với mức 4.994 tỷ đồng đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 4.616 tỷ đồng và nợ dài hạn là 588 tỷ đồng. Đặc biệt, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty lên tới 1.052 tỷ đồng, trong khi vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm 572,9 tỷ đồng.
Các khoản vay của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel.
Về cơ cấu tài sản, tài sản ngắn hạn của Viettel Construction vào cuối năm 2024 là 5.386 tỷ đồng, giảm 302 tỷ đồng so với 5.688 tỷ đồng đầu năm, tương đương với tỷ lệ giảm 5,3%. Trong khi đó, tài sản dài hạn lại có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 378 tỷ đồng (tương đương 29%) so với 1.302 tỷ đồng đầu năm.
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel hiện có vốn góp của chủ sở hữu là 1.143 tỷ đồng, tương đương với 114,3 triệu cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10 nghìn đồng.
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel có địa chỉ tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, vận hành khai thác mạng viễn thông, kinh doanh hạ tầng cho thuê và kinh doanh hàng hóa thương mại.
Nguyễn Duy Cường
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/vi-sao-tong-cong-ty-co-phan-cong-trinh-viettel-bi-mot-quan-o-da-nang-cam-thau-3-nam-204250204001857572.htm