Hoa giấy có tên khoa học là Buogainvillia Spectabilis. Đây là cây thân gỗ mọc leo, có nhiều cành và gai nhọn. Hoa giấy thường mọc thành chùm ở đầu ngọn cành với nhiều màu sắc khác nhau, có thể ra hoa quanh năm.
Việc trồng hoa giấy rất đơn giản, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Ngoài làm cảnh, hoa giấy còn có nhiều tác dụng khác như hạn chế bụi bẩn, lọc sạch không khí.
Vì sao trồng hoa giấy trong nhà là đại kỵ?
Hoa giấy được rất nhiều người yêu thích và thường trồng quanh nhà. (Ảnh: Hội mê hoa giấy).
Do có dạng leo, nhiều cành, tạo nên vẻ sum suê, màu hoa lại rực rỡ nên trong phong thủy, cây hoa giấy là biểu tượng của sự đủ đầy, bảo vệ và hạnh phúc vẹn tròn. Với màu sắc tươi sáng, hoa giấy được cho là sẽ mang lại sự may mắn cho gia đình, giúp phát tài, phát lộc. Trong dân gian, hoa giấy còn được cho là có khả năng xua đuổi tà ma và ngăn chặn điềm xấu.
Hoa giấy có vẻ đẹp giản dị, hồn nhiên và sức sống rất mãnh liệt. Vì thế, loài hoa này còn được coi là biểu tượng tình yêu giản dị, chân thành, thủy chung.
Hoa giấy có màu sắc tươi sáng tượng trưng cho may mắn, phát tài, phát lộc cho gia đình. (Ảnh: Hội mê hoa giấy).
Các màu sắc của hoa giấy cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Hoa giấy màu trắng được coi là biểu hiện của tình yêu thuần khiết và trong sáng. Hoa giấy màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, sự nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng để đạt đến mục đích.
Hoa giấy màu hồng gợi lên sự nữ tính và dịu dàng, tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, ngọt ngào của lứa đôi. Hoa giấy màu tím tượng trưng cho sự son sắt thủy chung trong tình yêu. Hoa giấy màu cam là màu của niềm vui, của đam mê và thành công.
Nhờ có tác dụng mang lại vẻ đẹp, tạo bóng mát và nhiều ý nghĩa về phong thủy, tâm linh nên nhiều người chọn trồng cây hoa giấy trước nhà, trên ban công hoặc sân thượng. Tuy nhiên, rất ít người trồng hoa giấy trong nhà do quan niệm coi việc trồng hoa giấy trong nhà là đại kỵ.
Thật ra việc "kiêng" trồng hoa giấy trong nhà xuất phát từ đặc điểm sinh trưởng của nó. Đây là loại hoa ưa nắng. Chỉ khi được trồng trong điều kiện đủ ánh sáng, cây mới ra hoa rực rỡ. Còn nếu thiếu ánh nắng mặt trời, cây sẽ không phát triển, hoặc chỉ ra lá, không ra hoa.
Nếu trồng trong điều kiện thiếu ánh nắng, cây hoa giấy sẽ khó trổ hoa.
Người xưa quan niệm, việc trồng cây trong nhà có mục đích lớn nhất là để ngắm hoa. Trong khi đó, hoa giấy trồng trong nhà, do thiếu ánh nắng thường không ra hoa. Điều này sẽ khiến gia chủ mang tiếng cô độc, không con hoặc hiếm muộn. Do đó, xét về mặt phong thủy, việc trồng hoa giấy trong nhà bị coi là đại kỵ.
Cách chăm sóc để hoa giấy luôn nở hoa
Khi cây ở giai đoạn sinh trưởng, người trồng nên bón phân vô cơ, cung cấp đủ dinh dưỡng. Thời điểm muốn cây ra hoa, người trồng nên chủ động cắt nước.
Nếu cây hoa giấy trồng trực tiếp dưới đất, thời gian cắt nước từ 3 -5 ngày. Còn với cây trồng chậu, cần theo dõi hàng ngày, nếu quá khô thì phải tưới nước cho cây hoa giấy; chỉ tưới sơ qua để duy trì độ ẩm và không để cây quá héo, dễ làm nụ bị rụng. Thời gian cắt nước từ 5 - 7 ngày.
Hoa giấy không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ. (Ảnh: Hội mê hoa giấy).
Khi cây hoa giấy bắt đầu có lá mới chụm nhỏ lại, lá non mới mọc có màu hơi sậm, thân cây xuất hiện chồi nhỏ, đó là cây đã chuyển sang giai đoạn ra nụ ra hoa. Để giúp cây ra hoa với màu sắt tươi tắn, lâu tàn, giai đoạn này người trồng cần phun bổ sung vitamin B1 và phân dưỡng hoa định kỳ một lần mỗi tuần, đồng thời duy trì tưới nước vừa đủ, không để cây thiếu nước vì sẽ gây rụng chồi hoa.
Sau mỗi đợt cây ra hoa, người trồng nên cắt tỉa thu gọn tán, đồng thời bổ sung phân hữu cơ đã hoai mục.
Lan Phương