Thế nhưng, tỷ lệ người chăn nuôi sử dụng vaccine nội để tiêm phòng cho vật nuôi hiện vẫn rất thấp so với tỷ lệ sử dụng vaccine ngoại. Vậy đâu là nguyên nhân?
Hàng nội "lép vế" trên sân nhà
Tỷ lệ người chăn nuôi dùng vaccine nội để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm hiện mới chỉ đạt khoảng 30-35%, tỷ lệ này vẫn ở mức thấp so với vaccine ngoại nhập chiếm 65-70%. Điều này khiến các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine không khỏi ngậm ngùi.
Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Cả nước hiện có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, với tổng số 218 loại vaccine. Việt Nam đã tự sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng, như: Vaccine phòng bệnh cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012; vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine LMLM từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất-năm 2022-là hai loại vaccine: NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất và AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Một trang trại chăn nuôi ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Ảnh: NGUYỄN KIỂM
Đối với nhập khẩu, trong năm 2024, Việt Nam đã nhập 340 loại vaccine, trị giá 90 triệu USD. Trong đó, vaccine cho gia súc là 85 sản phẩm, trị giá gần 60 triệu USD; vaccine cho gia cầm là 255 sản phẩm, trị giá gần 26 triệu USD.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vaccine nội thua ngay trên chính sân nhà? Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược và Vật tư thú y (Hanvet) thẳng thắn nhìn nhận: Nguyên nhân người chăn nuôi trong nước chưa sử dụng nhiều vaccine nội nằm ở chỗ thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế. Thêm một nguyên nhân nữa là một phần do tâm lý sính ngoại, chưa thực sự tin tưởng vào vaccine nội của chính người chăn nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam đánh giá, công nghệ sản xuất thuốc thú y của Việt Nam không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có những công nghệ hàng đầu để sản xuất các loại vaccine: Lợn tai xanh, LMLM, bệnh dại, bệnh dịch tả lợn châu Phi... Những vaccine này trước đây đều phải nhập khẩu. Câu hỏi lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất vaccine trong nước hiện nay là làm sao để vaccine nội được người chăn nuôi trong nước đón nhận và sử dụng rộng rãi? Bởi theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương, để có thể xây dựng, khánh thành một nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO cần nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng, cùng với đó là đội ngũ nhân viên có trình độ, được đào tạo lâu năm. Việc tăng thị phần cho vaccine nội còn khiến người chăn nuôi nông hộ có thêm “lá chắn” góp phần bảo vệ đàn vật nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển.
Vaccine nội phải tự quảng bá, tiếp thị
Ông Đặng Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho hay: Những năm gần đây, Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác kiểm dịch, triển khai tiêm phòng cho cả hộ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Tỉnh đã đầu tư ngân sách để mua vaccine cúm gia cầm H5N6 và các loại khác, đặc biệt là 5.000 liều vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Nhờ chủ động nguồn dự trữ vaccine và triển khai tiêm phòng sớm đối với đàn vật nuôi đã giúp địa phương cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ chia sẻ: Chúng tôi đã tiêm phòng ngay tại nhà máy-nơi ấp nở, sinh sản gia súc, gia cầm-mà không cần phải tiêm lại tại trang trại chăn nuôi. Phương pháp này không chỉ giảm áp lực lao động mà còn giúp bảo vệ vật nuôi một cách sớm nhất và tăng hiệu quả phòng bệnh. Đồng thời, tiêm vaccine trực tiếp tại nhà máy cũng hạn chế việc thải virus ra môi trường, từ đó không gây ảnh hưởng xấu đến tình hình dịch tễ trong khu vực. Các trang trại trong khu vực chúng tôi quản lý đã áp dụng phương pháp này và thấy hiệu quả rõ rệt, giúp giá thành giảm đáng kể và năng suất chăn nuôi được cải thiện. Hiện các thành viên của Hiệp hội chủ yếu sử dụng các vaccine thế hệ mới của các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: Công ty Hanvet, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet), Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco)... để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Việc sử dụng vaccine do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã chứng minh được hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hương cho rằng, hiện vaccine nội đã bảo đảm chất lượng nên rất cần sự ủng hộ của người chăn nuôi. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng vaccine của doanh nghiệp trong nước, rất cần sự chung tay của các cơ quan truyền thông, các viện, trường đào tạo chuyên ngành, để người chăn nuôi hiểu và sử dụng vaccine nội ngày càng nhiều hơn.
Thiết nghĩ, để vaccine nội được người chăn nuôi trong nước tin tưởng, sử dụng ngày một nhiều hơn thì không ai khác, chính doanh nghiệp phải tự quảng bá chất lượng, giá thành sản phẩm của mình.
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM