Vì sao Ukraine rút khỏi hiệp ước cấm dùng mìn chống bộ binh?

Vì sao Ukraine rút khỏi hiệp ước cấm dùng mìn chống bộ binh?
một ngày trướcBài gốc
Hiệp ước Ottawa là gì?
Hiệp ước Ottawa, được ký kết vào tháng 12/1997, là một công ước quốc tế nghiêm cấm việc sử dụng mìn chống bộ binh, đồng thời cấm cả việc phát triển, sản xuất, mua bán, tích trữ, lưu giữ hoặc chuyển giao loại vũ khí này, dù trực tiếp hay gián tiếp, cho bất kỳ ai.
Tính đến nay, hơn 160 quốc gia đã tham gia vào Hiệp ước này. Tuy nhiên, một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ vẫn chưa đặt bút ký vào hiệp ước này. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ từng cam kết không tích trữ mìn chống bộ binh, song quyết định này đã bị đảo ngược dưới thời người kế nhiệm Donald Trump.
Lý do khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi cấm loại vũ khí này rất rõ ràng: mìn chống bộ binh không chỉ gây thương vong trong thời điểm giao tranh, mà còn tiếp tục gây nguy hiểm tới tính mạng dân thường ngay cả khi chiến sự kết thúc. Tại lễ trao giải Nobel Hòa bình năm 1997, bà Jody Williams – điều phối viên của Chiến dịch Quốc tế Cấm Mìn – từng cảnh báo rằng mìn có thể mang lại hiệu quả quân sự trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chúng “gieo rắc cái chết một cách âm thầm và vô hình”, thường là đối với những người không liên quan đến chiến tranh.
Mìn không phải là loại vũ khí đầu tiên bị cộng đồng quốc tế đưa vào danh sách cấm đoán. Trước đó, Công ước Geneva năm 1925 đã đặt nền móng cho việc cấm sử dụng các loại vũ khí hóa học sau những hậu quả khủng khiếp của Thế chiến thứ hai.
Tổng thống Ukraine Zelensky cũng cáo buộc Nga vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học; tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Bãi mìn của các lực lượng Liên bang Nga đang gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine. Ảnh: Anadolu
Ukraine hưởng lợi gì từ việc rời khỏi Hiệp ước Ottawa?
Hiệp ước cấm sử dụng, sản xuất và tích trữ mìn sát thương chống bộ binh từng được Ukraine phê chuẩn vào năm 2005. Tuy nhiên, trước thực tế khốc liệt trên chiến trường, Kiev được cho là đã sử dụng lại loại vũ khí này. Tháng 11 năm ngoái, Mỹ đã chính thức chuyển giao mìn sát thương cho Ukraine, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách tiếp cận chiến thuật của cả hai bên.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga thay đổi phương thức tác chiến, giảm phụ thuộc vào lực lượng thiết giáp và tăng cường sử dụng bộ binh.
“Họ không còn tấn công bằng xe cơ giới nữa. Thay vào đó, họ sử dụng lực lượng bộ binh. Đó là những binh sĩ có thể tiên phong mở đường cho lực lượng cơ giới theo sau”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ, ông Lloyd Austin, giải thích. “Vì vậy, Ukraine cần vũ khí có thể làm chậm bước tiến đó của quân Nga”.
Việc Ukraine rút khỏi các cam kết của hiệp ước cũng đồng nghĩa với khả năng sản xuất và tích trữ mìn trong nước, mở đường cho việc triển khai chúng với quy mô rộng lớn và trong thời gian dài hơn.
Hiệu quả của vũ khí này đã trở nên rõ rệt vào tháng 6/2023, khi Ukraine phát động cuộc phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang giành kiểm soát. Tuy vậy, chiến dịch đã phần lớn thất bại. Nguyên nhân là do quân đội Ukraine đã bị kìm chân trước hệ thống chiến hào của Nga, trong đó có các bãi mìn trải dài nhiều kilomet trước tuyến phòng ngự, khiến Ukraine chịu tổn thất nghiêm trọng về vũ khí cũng như nhân lực.
Thiếu tướng Nga Ivan Popov, khi đó chỉ huy Tập đoàn quân hợp thành số 58 thuộc Quân khu phía Nam, khẳng định các bãi mìn của Nga đã “đóng vai trò cực kỳ quan trọng” trong việc chặn đứng đợt tấn công ban đầu của Ukraine. Đồng thời, Đô đốc Rob Bauer – Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, cũng xác nhận rằng mìn trở thành trở ngại lớn nhất mà Ukraine gặp phải trong giai đoạn đó.
Tới tháng 7/2025, sau khi hứng chịu tổn thất nặng nề, Ukraine buộc phải từ bỏ chiến thuật đột phá bằng xe cơ giới vào các tuyến phòng ngự của Nga và chuyển sang chiến lược tiêu hao: từng bước làm suy yếu quân địch thay vì cố gắng xuyên thủng phòng tuyến.
Tại sao Ukraine lại cân nhắc rút khỏi Hiệp ước Ottawa vào thời điểm hiện tại?
Vào tháng 3/2025, hàng loạt quốc gia có chung đường biên giới với Nga – gồm Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania, đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Ottawa, với lý do “môi trường an ninh khu vực đã xấu đi đáng kể”. Chỉ một tháng sau đó, Phần Lan – thành viên mới của NATO, cũng theo gót, với tuyên bố rằng việc rút khỏi hiệp ước là cần thiết để “tăng cường năng lực chuẩn bị trước những biến động khó lường của an ninh khu vực”.
Điểm chung của các quốc gia này là vị trí địa lý nhạy cảm: đều nằm sát hoặc gần biên giới với Nga, hoặc giáp vùng lãnh thổ Kaliningrad – nơi Moscow duy trì lực lượng quân sự lớn và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn.
Theo bà Victoria Vdovychenko, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm Địa chính trị của Đại học Cambridge, quyết định rút khỏi hiệp ước của các quốc gia Đông Âu là “một bước đi hoàn toàn dễ hiểu”. Chuyên gia này nhận định: “Họ đang ưu tiên lợi ích an ninh quốc gia và thừa nhận rằng trong một kịch bản chiến tranh thực tế, mìn chống bộ binh có thể trở thành một công cụ phòng thủ thiết yếu.”
Ở góc độ khác, chuyên gia Keir Giles thuộc Viện nghiên cứu Chatham House cho rằng động cơ ban đầu khiến nhiều quốc gia Đông Âu ký vào Hiệp ước Ottawa phần lớn mang tính chính trị.
“Họ muốn thể hiện mình là những thành viên tiến bộ, phù hợp với các giá trị tự do của phương Tây – cả trong NATO lẫn EU. Nhưng khi mối đe dọa an ninh trở nên hiện hữu, các tính toán chiến lược đã thay đổi theo hướng thực tế hơn”, ông Giles nhận xét.
Trong bối cảnh đó, việc Ukraine xem xét rút lui khỏi hiệp ước có thể không chỉ là hành động đơn lẻ, mà còn là phản ứng có tính toán trước hàng loạt chuyển động khu vực và sức ép trên chiến trường. Nga đang tăng cường sử dụng máy bay không người lái và tên lửa hành trình nhắm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine như Kiev, Odesa và Kharkiv, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow có thể đang chuẩn bị mở rộng chiến sự ra ngoài các vùng tiền tuyến truyền thống.
Chuyên gia Vdovychenko cảnh báo: “Chúng ta không còn nói đến chiến tuyến cổ điển nữa. Nga hiện đang tấn công cả những khu vực hậu phương từng được coi là tương đối an toàn của Ukraine”.
Thêm vào đó, trong những tháng gần đây, Ukraine đã phải căng mỏng lực lượng để chống đỡ các đợt tấn công mới từ phía Bắc, gần Kharkpv và Sumy, buộc nước này phải dàn trải năng lực phòng thủ trên nhiều mặt trận. Trong hoàn cảnh đó, dù bị cấm theo luật pháp quốc tế, mìn chống bộ binh lại nổi lên như một trong số ít công cụ có thể làm chậm bước tiến của đối phương và bảo vệ lãnh thổ hữu hiệu.
Sự thay đổi trong nhận thức chiến lược không chỉ diễn ra tại Kiev. Đầu năm 2024, Đô đốc Rob Bauer – Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, từng cảnh báo rằng liên minh phải “chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Nga”. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thậm chí còn dự đoán rằng một cuộc tấn công từ Moscow nhằm vào lãnh thổ Đức có thể xảy ra trong vòng 5 đến 8 năm tới.
Trong bức tranh chính trị ấy, quyết định của Ukraine không còn đơn thuần là sự rút lui khỏi một cam kết nhân đạo, mà là dấu hiệu của một sự chuyển hướng chiến lược nhằm duy trì khả năng giao tranh với Nga và tạo thế cân bằng cần về mặt quấn sự trước khi tiến tới bàn đàm phán.
Diệp Thảo/VOV.VN Theo The Independent, CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-ukraine-rut-khoi-hiep-uoc-cam-dung-min-chong-bo-binh-post1211571.vov