Vì sao Xuân Son chấn thương nặng dù không va chạm?

Vì sao Xuân Son chấn thương nặng dù không va chạm?
11 giờ trướcBài gốc
Trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 trên sân Rajamangala (Thái Lan) tối 5/1, Nguyễn Xuân Son, với sức chiến đấu không mệt mỏi, đã gặp phải chấn thương nghiêm trọng ngay ở phút 32 sau một pha rướn người chuyền bóng.
Chân phải của anh quét mạnh xuống mặt đất, khiến chúng gập lại. Son tỏ ra rất đau đớn và nhanh chóng được đội ngũ y tế đưa lên xe cứu thương chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Dù đội tuyển Việt Nam sau đó giành chiến thắng, chấn thương của Xuân Son vẫn để lại sự tiếc nuối lớn.
Cú ngã của Xuân Son không phải là một tình huống hiếm gặp trong bóng đá, nhưng lại gây chấn thương nghiêm trọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao không xảy ra va chạm với đối thủ, cú ngã của tiền đạo sinh năm 1997 lại có hậu quả nặng nề đến vậy.
Ba yếu tố dẫn đến chấn thương
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa II Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nhận định chấn thương của Xuân Son có thể đến từ nhiều yếu tố. Ông phân tích các nguyên nhân cụ thể như sau:
Gãy do stress (nứt xương do căng thẳng): Chấn thương có thể là hậu quả của việc luyện tập và thi đấu liên tục mà không đủ thời gian phục hồi. Khi các hoạt động thể thao diễn ra quá dày đặc, xương không có thời gian để hồi phục, dẫn đến sự xuất hiện của các vết nứt nhỏ do căng thẳng lặp đi lặp lại.
Hiện tượng này thường xảy ra khi xương phải chịu tải trọng lớn trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt phổ biến ở các vùng xương chịu nhiều tác động như chân và mắt cá.
Theo các chuyên gia, với trường hợp gãy xương của Xuân Son, chỉ cần quá trình liền xương tốt và phục hồi đúng cách, khả năng trở lại với 100% phong độ là hoàn toàn có thể. Ảnh: Minh Chiến, Bảo Ngọc, CLB Nam Định.
Lực cơ tác động vào xương: Chấn thương có thể bắt nguồn từ sự kết hợp giữa lực cơ mạnh mẽ từ các cơ bụng, chân và đùi. Khi các cơ này tác động vào xương theo hướng ngược chiều nhau, chúng tạo ra một lực đủ lớn để gây gãy xương, làm bẻ hoặc gập xương trong quá trình di chuyển. Lực này đặc biệt nguy hiểm khi các cơ hoạt động không đồng bộ hoặc khi vận động viên thay đổi hướng đột ngột.
Lực bám của đế giày với mặt cỏ: Một yếu tố quan trọng có thể gây ra chấn thương là lực bám quá mạnh giữa đế giày và mặt cỏ. Khi vận động viên thực hiện các pha di chuyển nhanh hoặc thay đổi hướng đột ngột, nếu đế giày có quá nhiều lực bám vào mặt cỏ, chân của cầu thủ có thể bị "chôn" lại, dẫn đến việc không thể tiếp tục di chuyển bình thường. Nếu trong tình huống đó, cầu thủ trượt hoặc chuyển động không đúng, lực tác động trực tiếp vào xương có thể khiến gãy xương xảy ra.
"Ba yếu tố này, tưởng chừng như riêng biệt, lại kết hợp với nhau tạo thành nguyên nhân có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng. Đây là sự phối hợp của yếu tố cơ học, sinh lý và môi trường thi đấu, khiến ngay cả một vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể gặp phải chấn thương mà không ai lường trước được", bác sĩ Trần Anh Vũ cho biết.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Anh, chuyên khoa Hiệu chỉnh cơ xương khớp và Y học thể thao, chấn thương thể thao là tình trạng thường gặp ở các vận động viên, thường xảy ra do cường độ hoạt động thể chất cao và tính cạnh tranh trong thể thao. Một số chấn thương phổ biến nhất bao gồm bong gân, căng cơ, gãy xương và trật khớp. Những chấn thương này thường xảy ra trong các hoạt động có tác động mạnh như chạy, nhảy, hoặc thay đổi hướng đột ngột.
Trong khi đó, các chấn thương ở người dân thường do tai nạn trong cuộc sống, đôi khi có mức độ nghiêm trọng hơn, như bị cưa xẻ vào tay hoặc bị xe cán dập nát chân. Mức độ phục hồi ở người bình thường cũng thường chậm hơn, do thể chất và dinh dưỡng không tối ưu, cùng với tố chất tâm lý yếu hơn so với vận động viên thể thao.
Nguyên nhân gây chấn thương thể thao rất đa dạng, có thể từ việc sử dụng quá mức và các chuyển động lặp đi lặp lại, đến va chạm trực tiếp. Bên cạnh đó, kỹ thuật tập luyện không đúng, thiếu khởi động hoặc hạ nhiệt, thời gian nghỉ ngơi không đủ, mất cân bằng cơ bắp và lệch trục khớp cũng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương.
Bác sĩ phẫu thuật chính cho Xuân Son đánh giá tiền đạo sinh năm 1997 có thể sớm trở lại sân cỏ với phong độ 100%. Ảnh: Bảo Ngọc.
Xuân Son có thể trở lại trên sân cỏ sau 8 tháng
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ Phạm Quốc Hùng, chuyên gia chấn thương chỉnh hình và y học thể thao - từng phẫu thuật chính cho cầu thủ Đỗ Hùng Dũng, nhận định đối với các vận động viên chuyên nghiệp như Xuân Son, quá trình phục hồi thường nhanh hơn nhờ cơ địa cũng như nền tảng cơ bắp và xương tốt.
Ngoài ra, cầu thủ này sẽ được chăm sóc trong chế độ dinh dưỡng, điều kiện y tế tốt nhất nên Xuân Son hoàn toàn có thể quay trở lại thi đấu.
Sau phẫu thuật, Xuân Son không còn đau đớn, khả năng vận động nhẹ nhàng và phục hồi tích cực. Ảnh: Vinmec.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, anh cũng không nên chủ quan. Theo dõi và chăm sóc người bệnh sau mổ đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi, không gặp phải biến chứng. Các chuyên gia y tế cần liên tục theo dõi để đánh giá quá trình liền xương, có thể trị liệu thêm chiếu laser lạnh để kích thích sâu đến các mô xương, giúp tái tạo tế bào, hồi phục nhanh hơn.
Ngoài ra, việc duy trì tâm lý tích cực cũng là hỗ trợ mạnh mẽ cho phục hồi chấn thương ở vận động viên.
GS.TS Trần Trung Dũng, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, thuộc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho cầu thủ Xuân Son, cũng cho biết tình trạng hiện tại của chân sút số 12 rất khả quan.
"Cơ hội để Xuân Son trở lại với thể thao đỉnh cao là hoàn toàn có thể. Về mặt kỹ thuật phẫu thuật, không có gì quá phức tạp. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ chiếm 10% quá trình, còn 90% sự hồi phục phụ thuộc vào các công tác phía sau", GS Dũng nhấn mạnh.
GS Dũng chia sẻ thêm đối với các chấn thương liên quan đến khớp và dây chằng, sự phục hồi đôi khi có thể dựa vào yếu tố may mắn. Tuy nhiên, với trường hợp gãy xương của Xuân Son, chỉ cần quá trình liền xương tốt và phục hồi đúng cách, khả năng trở lại với 100% phong độ là hoàn toàn có thể.
"Hy vọng trong khoảng 8 tháng tới, Son có thể chơi lại môn đối kháng, chúng ta sẽ lại được chứng kiến những bước chạy mạnh mẽ của Son trên sân cỏ", bác sĩ Hùng nói.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-va-cham-cua-xuan-son-gay-chan-thuong-nang-post1523159.html