Vì sao xăng E5 nguy cơ 'chết yểu'?

Vì sao xăng E5 nguy cơ 'chết yểu'?
6 giờ trướcBài gốc
Giá chưa hấp dẫn
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong tại các cửa hàng xăng dầu tại TP. Hà Nội, hiện các cửa hàng bán xăng E5 còn rất ít. Nhiều cửa hàng trước đây treo băng rôn, biển hiệu bán xăng E5 giờ cũng không còn.
Trong khi đó, các cửa hàng xăng dầu bán lẻ thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, PV Oil, Saigon Petro… thời gian trước triển khai bán loại xăng này giờ cũng chỉ còn một số đơn vị lẻ tẻ đang duy trì.
Anh Lê Văn Đức - đại diện một cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông, TP. Hà Nội) chia sẻ đã dừng kinh doanh xăng sinh học E5 cách đây hơn một năm. Nguyên nhân do mức chiết khấu nhận được của xăng E5 thấp, tỷ lệ hao hụt cao, trong khi người dùng ít mặn mà sử dụng loại xăng này.
“Trước đây một ngày cửa hàng bán 1.000 lít xăng thì xăng E5 chỉ khoảng 100-200 lít. Tỷ lệ hao hụt của xăng E5 nhiều nên nếu lượng hàng tồn còn nhiều cửa hàng càng lỗ”, anh Đức nói.
Xăng E5 hiện "vắng bóng" tại nhiều cửa hàng.
Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu trên đường Láng (Hà Nội) cho biết xăng E5 ngày càng giảm tiêu thụ do doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Thời gian qua, thuế bảo vệ môi trường giảm nhưng không chênh lệch nhiều với xăng A95. Giá xăng sinh học E5 với xăng khoáng không đáng kể nên chưa khuyến khích được người dân sử dụng.
Vị giám đốc doanh nghiệp xăng dầu dẫn chứng, hôm nay (10/1), xăng RON 95 bán ra ở mức 21.019 đồng/lít; xăng E5 RON 92 ở mức 20.431 đồng/lít; thấp hơn chỉ khoảng 600 đồng/lít. Trong khi đó, chiết khấu đối với xăng RON 95 hơn 1.000 đồng, nhưng xăng E5 RON 92 chỉ 950 đồng/lít.
“Kinh doanh xăng E5, doanh nghiệp phải đầu tư trạm trộn, hệ thống hạ tầng hàng trăm tỷ đồng. Nhưng với mức chiết khấu này, doanh nghiệp hầu như không có lãi và chậm thu hồi vốn. Cả người bán và người mua đều thấy chưa hấp dẫn nên hầu hết các cửa hàng đều chọn phương án tốt nhất là tạm ngừng. Có đơn vị duy trì bán thì cũng rất nhỏ giọt”, vị giám đốc chia sẻ.
Các cửa hàng xăng dầu cho biết, việc hạn chế bán xăng E5 do chiết khấu không cao, và người dùng không mặn mà.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc sử dụng xăng E5 dù giúp bảo vệ môi trường nhưng thời gian qua việc tuyên truyền “không đến nơi đến chốn” lợi ích của loại xăng này nên chưa thu hút được người dân. Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng sử dụng xăng E5 có thể gây ảnh hưởng đến động cơ xe, cháy nổ nên khiến người dân "quay lưng".
"Cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ thực tiễn, và sớm kết luận và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên… để người dân yên tâm sử dụng", ông Thịnh nói.
Sẽ báo cáo Thủ tướng phương án điều chỉnh
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương mới đây, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - thừa nhận sau một thời gian triển khai, việc tiêu thụ xăng E5 có xu hướng ngày càng giảm.
Theo bà Hiền, nguyên nhân do giá xăng E5 chênh lệch so với xăng khoáng thấp nên chưa khuyến khích người tiêu dùng sử dụng. Trong khi đó, truyền thông về loại xăng này chưa đạt tới mức người tiêu dùng tin cậy. Người tiêu dùng có nhiều phương tiện hiện đại nên sử dụng xăng có chất lượng cao hơn.
"Vụ Thị trường trong nước mới tham mưu Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành chỉ thị thúc đẩy tiêu thụ xăng E5. Bộ Công Thương đang giao Vụ Khoa học và Công nghệ tổng kết triển khai việc thực hiện Quyết định 53 của Thủ tướng (về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống), từ đó báo cáo Thủ tướng xem xét phương án có điều chỉnh Quyết định 53 hay không", bà Hiền chia sẻ.
Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng điều chỉnh Quyết định 53 để tiếp tục khuyến khích sử dụng E5.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm việc phối trộn và tiêu dùng xăng sinh học được thực hiện theo lộ trình của Quyết định 49, Quyết định 53. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như điều hành giá xăng dầu, cung cầu để tạo dư địa về giá, nguồn cung khuyến khích người dùng xăng E5.
Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, vận tải xanh đang là xu hướng của Việt Nam và trên thế giới. Trong tương lai chúng ta sẽ chuyển sang các loại xe điện hơn là sử dụng xe chạy bằng xăng dầu, nhiên liệu hóa thạch.
Đặc biệt, sắp tới, 4 quận nội thành Hà Nội có thể làm thí điểm không có xe chạy xăng dầu và chuyển sang xe điện. Do đó, ngoài việc cần có chính sách để giảm giá nhiên liệu sinh học, cơ quan quản lý cần hạn chế xe chạy nhiên liệu hóa thạch, như vậy mới đưa chất lượng không khí của Hà Nội trở lại bình thường.
Xuân Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/vi-sao-xang-e5-nguy-co-chet-yeu-post1708544.tpo