Vị tể tướng quyền lực hơn cả vua

Vị tể tướng quyền lực hơn cả vua
2 ngày trướcBài gốc
Suốt đời, Jang Bogo là nỗi kiêng dè của cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Ảnh: Ancient-origins.net
Ông không chỉ được toàn dân yêu mến, xem như anh hùng dân tộc, mà còn nắm trong tay lực lượng binh quyền hùng mạnh, quyết định vận mệnh quốc gia.
Cứu tinh của người Hàn Quốc hải ngoại
Jang Bogo xuất thân con trai người lái thuyền, có tên thời thơ ấu là Gungbok. Tuy không phải con cái nhà quý tộc được cho ăn học, rèn luyện võ thuật từ nhỏ nhưng ông vẫn chăm chỉ tự tập bắn cung, võ thuật, bơi lội và sớm trở thành thanh niên thao lược.
Thời Tân La, Hàn Quốc phân biệt giai cấp sâu sắc, người thuộc tầng lớp thường dân gần như không có cơ hội lập danh nào. Có lẽ chính vì lý do này mà Jang Bogo sớm chuyển đến Bán đảo Sơn Đông, Trung Quốc và chính tại đây, ông được tôn vinh là “vị thần sống”.
Nửa đầu thế kỷ IX, Trung Quốc đang trong thời nhà Đường (618 – 705). Theo ghi chép từ Tam quốc Sử ký (Samguk Sagi), người Hàn Quốc đã đến Bán đảo Sơn Đông sinh sống, thành lập làng mạc và ngày càng đông đúc nhưng lại thường xuyên bị người Trung Quốc và cướp biển Nhật Bản ngược đãi, cướp bóc, bắt cóc…
Vừa đặt chân lên đây, Jang Bogo đã phải chứng kiến cảnh đồng tộc bị lôi ra khỏi nhà, đem đi bán hàng loạt giữa ban ngày ban mặt. Không thể nhịn nhục nổi, ông quyết tâm chống lại và dần dà gây dựng được lực lượng lớn, giải quyết triệt để các mối hiểm họa từ cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.
Vốn khéo buôn bán, cộng đồng người Hàn Quốc dưới sự bảo trợ của Jang Bogo phát triển nhanh, giàu và mạnh. Họ cùng nhau góp công góp của, xây dựng Chùa Beophwawon làm trung tâm tôn giáo kiêm ngoại giao, kinh tế…
Ngôi chùa này hoạt động tương tự lãnh sự quán bây giờ. Năm 823, Jang Bogo thành công tác động, buộc nhà Đường phải ban hành sắc lệnh cấm buôn bán người và trả những thần dân Tân La bị bắt cóc về lại quê hương.
“Hải thần” và cái kết buồn
Chân dung Jang Bogo (787 – 846). Ảnh: Ancient-origins.net
Năm 825, Jang Bogo quay trở lại Hàn Quốc cùng đội quân tư nhân 1.000 người. Năm 828, ông thỉnh cầu Hoàng đế Heungdeok (777 – 836) bổ nhiệm mình làm chỉ huy Pháo đài Cheonghae gần đảo Wando và được chấp nhuận.
Cheonghae là pháo đài hải quân khổng lồ ngoài khơi bờ biển phía Nam của Hàn Quốc, được xây dựng với mục đích chống lại cướp biển và bảo vệ biên giới Tây Nam Vương quốc Tân La. Lực lượng binh sĩ Tân La đóng tại đây khoảng 10.000 người, luôn phải đối mặt với sự quấy nhiễu từ Nhật Bản và Trung Quốc.
Bằng kinh nghiệm có được từ thời gian sống trên Bán đảo Sơn Đông, Jang Bogo dễ dàng đối phó với mọi chiêu trò, thậm chí còn biến Cheonghae thành mặt trận kinh tế. Ông nắm giữ các tuyến hàng hải, thống trị thương mại và nhanh chóng trở thành người quyết định trong mối quan hệ thương mại, hàng hải 3 bên, Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc.
Nhờ có Jang Bogo, các thương nhân Hàn Quốc thỏa sức tung hoành. Nền kinh tế Vương quốc Tân La phát triển vượt bậc và đương nhiên, danh tiếng cũng như quyền lực của Jang Bogo ngày càng lớn. Tương truyền, ông hùng mạnh đến nỗi chỉ cần một cái phẩy tay cũng hất đổ được ngôi vua.
Khác với sự yêu mến của toàn dân Tân La, giới quý tộc vô cùng căm ghét Jang Bogo và e ngại sức mạnh của ông. Ban đầu, Jang Bogo không hề hứng thú với ngai vị nhưng cuối cùng vẫn bị cuốn vào cơn bão chính trị. Năm 838, Tể tướng Minae (? – 839) bức tử Hoàng đế Huigang (? – 838), cướp đoạt ngai vàng và biến Thái tử Gim Ujing (? – 839), con trai của Hoàng đế Huigang thành thường dân.
Bước đường cùng, Thái tử Gim Ujing chạy đến Cheonghae, cầu cứu Jang Bogo. “Người xưa có câu, thấy điều đúng mà không dám làm là thiếu can đảm. Tuy tài hèn sức mọn, thần đây vẫn quyết xả thân vì người”, Jang Bogo trả lời và phái 5.000 quân hộ tống Thái tử Gim Ujing trở về.
Cuộc trừng trị kẻ phản nghịch Minae thành công, Thái tử Gim Ujing lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Hoàng đế Sinmu và phong cho Jang Bogo làm tể tướng kiêm đại tướng quân đồn trú Cheonghae.
Kể từ lúc này, Jang Bogo thật sự chỉ “dưới một người, trên vạn người”. Tuy Hoàng đế Sinmu chỉ tại vị đúng 3 tháng (băng hà vì bệnh tật) nhưng quyền lực của Jang Bogo không hề bị ảnh hưởng. Ông hoạt động như nhiếp chính vương đằng sau Hoàng đế Munseong (? – 857) kế nhiệm, thâu tóm toàn bộ quyền hành.
Càng dấn vào chính trị, Jang Bogo càng thèm khát quyền lực lớn mạnh hơn nữa. Năm 845, ông đòi Hoàng đế Munseong phải phong cho con gái riêng của mình làm Trung điện thứ 2. Với quần thần Tân La và bản thân Hoàng đế Munseong, điều này không chỉ lạm quyền mà còn là sự sỉ nhục. Họ phản đối kịch liệt và từ chối thẳng thừng.
Tức giận, Jang Bogo âm mưu tạo phản. Trước khi ông kịp làm gì, quần thần Tân La đã cử sát thủ âm thầm tiếp cận và làm thân. Năm 846, tại chính Pháo đài Cheonghae, trong lúc đang chén tạc chén thù với “bằng hữu mới”, Jang Bogo bị người này sán lại gần và đâm chết bằng con dao nhỏ giấu trong tay áo.
Ngay sau khi Jang Bogo chết, lực lượng quân đồn trú Cheonghae bị chia năm xẻ bảy, điều đi chỗ này chỗ kia. Quyền lực cao ngút trời của ông tan biến chỉ trong nháy mắt. Theo các nhà nghiên cứu Hàn Quốc, nguyên nhân chính khiến Jang Bogo bị quần thần Tân La căm ghét chính là “xuất thân thấp kém”. Giai cấp quý tộc vốn đặc trưng bởi “cha truyền con nối” và xã hội xếp hạng con người theo dòng dõi đã bằng mọi cách gạt bỏ Jang Bogo cũng như các đóng góp của ông.
Ngày nay, Jang Bogo được người Hàn Quốc tôn thờ như một vị thần. Tàn tích của Pháo đài Cheonghae nằm cách bờ biển đảo Wando chỉ khoảng 180m, có cầu nối liền và luôn hoan nghênh du khách ghé thăm. Câu chuyện cuộc đời Jang Bogo được nhiều nhà văn, nhà biên kịch lấy làm cảm hứng sáng tác. Với giáo dục, Jang Bogo là bài học về lòng tham, “sự ham muốn quyền lực vô độ sẽ dẫn đến cái kết đắng”.
Theo ancient-origins.net
Ninh Thị Thơ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/vi-te-tuong-quyen-luc-hon-ca-vua-post724682.html