Chợ quê với những hàng hóa đặc trưng ngày tết.
1. Như hầu hết những đứa trẻ, ngày nhỏ, tôi luôn mong được đón tết sớm. Niềm vui ấy đến từ nhiều thứ. Ngày tết có nhiều món ăn ngon, được ăn thỏa thích các loại bánh trái, được trông bánh chưng xuyên đêm cùng bố, được mặc quần áo mới, đi dép mới, được mừng tuổi... Những đồng tiền mừng tuổi mệnh giá dù nhỏ thôi, nhưng rất mới, được hít hà mùi hương quện tỏa trong không gian...
Trưởng thành rồi, ngoài niềm vui con trẻ, ta hiểu thêm nhiều điều thú vị và ý nghĩa về Tết Nguyên đán. Rằng, đó là “những buổi rạng đông của sự khởi đầu”. Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt, vốn thường coi trọng sự khởi đầu. Có lẽ vì thế mà tết đến - xuân về, bắt đầu một mùa mới, một năm mới, một “nhịp” mới của thời gian. Tết Nguyên đán trở nên náo nức, linh thiêng hơn.
Cái sự náo nức, linh thiêng ấy, gần 100 năm trước đã được cố học giả Nguyễn Văn Huyên “gọi tên”: “Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ bắc chí nam, cả nước đều hoan hỷ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi của kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn tết một cách xứng đáng trước ban thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở... Ngày tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự thiên nhiên với trật tự con người, là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian...” (sách “Hội hè lễ tết” của người Việt).
Tết linh thiêng, một sự “linh thiêng” đã trở thành truyền thống, đến từ nguồn cội văn hóa thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. Và tết đến còn là dịp giúp người ta “tìm về” với thẳm sâu ngọn nguồn của chính mình. Như chuyện kể của cố học giả Nguyễn Văn Huyên về tâm sự tết của một người bạn trẻ từ tây về: “Tôi luôn luôn nhớ lại cái đêm năm mới này, lúc tôi thật sự tìm lại được đất nước chúng ta sau một thời gian dài sống ở Pháp, nơi mà tôi đã qua mười hay mười hai cái tết của mình hoặc trong các vũ hội sinh viên đã dần dà trở nên nhàm chán, hoặc một cách đơn giản, nhưng trong lòng cũng không kém trống trải và da diết nhớ quê hương, trước một cốc rượu mạnh Mỹ hay một đĩa trứng tráng giăm bông trong một quán rượu Paris cùng vài người bạn cũ. Thật ra, tôi cũng chưa tìm thấy lại được đất nước xứ sở của chúng ta lúc đặt chân lên đất Sài Gòn hay cập bến Hải Phòng. Chỉ có đêm tết này, giản dị là thế, yên bình là thế và vĩ đại là thế mới gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Và lập tức đặt tôi trở lại trong cái vòng truyền thống cổ của dân tộc”.
Ngày tết là dịp để gia đình quây quần, thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên.
Tết với niềm vui và ý nghĩa đặc biệt đã “sống” trong đời sống người Việt tự ngàn xưa đến hôm nay. Dẫu rằng, đi qua thời gian, qua những “chặng đường” của đời người, mỗi người lại đón tết cổ truyền với tâm thế, nỗi niềm riêng.
2. Năm nào cũng thế, khi tiết trời vào đông, bố tôi lại mang những củ thược dược đã cất nhiều tháng trước ra giâm trồng trước nhà. Chẳng mấy chốc mà chúng đã lên cây tươi tốt. Để khi tháng Chạp về, những nụ mầm đã sẵn sàng bung nở. Rồi nữa, cây đào bên hiên nhà chừng hơn tháng trước còn khô cằn mà giờ nụ cũng đã đầy cành, chỉ mươi ngày nữa thôi, sắc thắm hoa đào sẽ gọi mùa xuân về. Giữa vô vàn sắc hoa ngày tết, bố tôi vẫn không quên hoa đào, thược dược.
Còn mẹ tôi vẫn vậy, để chuẩn bị cho tết thì từ rằm tháng Chạp, bà đã tất bật với những mua sắm, từ chai mật mía, yến gạo nếp, mươi ống đỗ xanh, dăm bó hương... Và tiếp đó là huy động cả nhà cùng tham gia “ngày hội” dọn dẹp nhà cửa đón tết. Việc dọn dẹp không hẳn bởi sự bừa bộn. Dường như mỗi người đều muốn đón tết với một sự tinh tươm, sạch sẽ và mới mẻ nhất có thể.
Sắc thắm hoa mai, hoa đào bung nở “gọi” mùa xuân về.
Tết đang về trong tất bật ngược xuôi, lam lũ của người lao động, để mong có một cái tết đủ đầy, ấm no hơn cho gia đình, người thân. Và rồi, tết cũng đang về trong những chờ đợi của cha mẹ già, ngóng trông các con đi làm xa nhà sẽ về đoàn viên bên mâm cơm gia đình, bên ban thờ tổ tiên những ngày tết đến.
Có người nói tết bây giờ tốn kém quá, phải lo nhiều thứ quá, thành ra... sợ tết! Điều này hẳn không sai. Nhưng rồi nghĩ lại, việc “ăn” tết thế nào chẳng phải là do mỗi người quyết định. Khi mà cuộc sống vật chất đã từng ngày đủ đầy hơn, khi con người ta không còn phải đợi đến “ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”, trẻ con cũng không cần đợi đến tết mới được mặc quần áo mới... thì hà cớ gì, ta phải... làm khổ chính mình vì những chuyện sắm mua quá mức, thậm chí là lãng phí.
Suy cho cùng, tết xưa hay tết nay thì điều quan trọng nhất của ngày tết là niềm vui được nghỉ ngơi, thảnh thơi, cả nhà cùng sum vầy, ấm cúng. Con trẻ hạnh phúc khi thấy ông bà, cha mẹ vẫn khỏe, người già vui khi thấy cháu con khôn lớn, trưởng thành, biết hiếu kính... Và tết sẽ đỡ áp lực hơn khi mỗi người, mỗi nhà biết vun vén, chi dùng trong khả năng của chính mình. Đâu cần và không nên vì một sự hơn thua cho bằng ai đó mà phải làm khổ bản thân, vô tình làm mất đi ý nghĩa ngày tết. Biết đủ là sẽ đủ.
Thời gian vô hạn nhưng đời người là hữu hạn. Qua từng “nhịp” quay của thời gian, mỗi người lại đi qua những mùa tết. Tết vẫn thế với hương xuân, sắc xuân và khí thế xuân căng tràn, gõ cửa từng nhà. Mong cho nhà nhà, người người được sum vầy đón tết, vui niềm vui xuân về...
Bài và ảnh: Trang Bùi