Vị thế mới, vận hội mới

Vị thế mới, vận hội mới
15 giờ trướcBài gốc
Quy mô về diện tích, dân số và nền kinh tế mỗi xã, phường của Thủ đô lớn hơn hẳn trước đây, đã mở ra không gian đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý và khai thác tốt hơn không gian, nguồn lực của Thủ đô nghìn năm văn hiến trong giai đoạn mới.
Diện mạo khang trang tại xã Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Quang
1. Nhìn vào bản đồ 126 xã, phường mới của Thủ đô, chúng ta dễ nhận ra một điều là 126 xã, phường mới của Hà Nội đều bảo đảm tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của mỗi địa phương. Trên quan điểm ưu tiên tạo dư địa phát triển lâu dài, 126 xã, phường hiện nay vừa là một thực thể độc lập về mặt địa giới hành chính cấp xã, vừa tạo nên sự liền mạch, là một khối vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... của Thủ đô.
Trong đó, đặc điểm nổi trội dễ thấy của 51 phường hiện nay là đã khắc phục cơ bản tình trạng chia cắt về địa bàn, tạo thuận lợi cho nhân dân trong hoạt động học tập, giao dịch, làm việc và công tác quản lý nhà nước bảo đảm tính toàn diện, khoa học, chặt chẽ. Trước đây, nhiều phường, tổ dân phố, khu dân cư trong khu vực nội thành có diện tích chồng lấn, thậm chí một khu đô thị do nhiều phường cùng quản lý. Không những vậy, một phường, tổ dân phố nhưng lại nằm xen kẽ giữa nhiều tuyến đường, bị chia cắt bởi các dòng sông, đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, không tạo thuận lợi cho nhân dân trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Vì vậy, việc phân định địa giới hành chính cấp phường theo tuyến đường, dòng sông ở khu vực nội thành hiện nay đã giúp người dân dễ nhận diện nơi mình sinh sống, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý địa bàn, mở ra nhiều dư địa phát triển.
Ở khu vực ngoại thành, phần lớn các xã được sáp nhập với nhau cơ bản trên cơ sở nguyên trạng các xã trước đây. Do đó, dù một xã được sáp nhập bởi 2-3 xã nhưng vẫn bảo đảm phù hợp về mặt văn hóa làng, xã, dòng họ và việc phát triển kinh tế nông nghiệp của nhân dân địa phương.
Như vậy, bên cạnh bảo đảm tính ổn định, sự liền mạch của các đơn vị hành chính, 126 xã, phường hiện nay đã tạo ra không gian đủ lớn về diện tích, dân số, quy mô nền kinh tế để hướng tới tương lai phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Đáng chú ý, yếu tố bản sắc văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của mỗi địa phương, vùng miền được phản ánh rõ nét qua từng tên gọi xã, phường. Cụ thể, cùng với việc gìn giữ những danh xưng đã đi vào lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến và tiềm thức của người dân Thủ đô, nhiều tên gọi mang yếu tố lịch sử, văn hóa đặc sắc gắn bó với người dân địa phương cũng trở thành tên xã, phường mới.
Tất cả các yếu tố về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử... của các xã, phường hiện nay sẽ tạo thêm nhiều dư địa phát triển, qua đó giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều kỳ vọng mới.
2. Chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, với 126 xã, phường của Hà Nội hiện nay là minh chứng sinh động cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy cải cách quản trị của Thủ đô và mở ra không gian phát triển mới. Qua đó, giúp Hà Nội tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng không chỉ của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn của cả nước.
Với vị thế mới, vận hội mới, chính quyền 126 xã, phường cần xác định trọng tâm, trọng điểm và những vấn đề ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. Nhiệm vụ này cần được xây dựng dựa trên thế mạnh vốn có, đồng thời phải khơi dậy tiềm năng mới, được hình thành từ việc mở rộng địa giới hành chính của từng địa phương.
Trong bối cảnh mới, các xã, phường cần xác định các vấn đề phát triển của địa phương mình theo quan điểm trọng tâm của trọng tâm, đột phá của đột phá trong từng lĩnh vực. Nói cụ thể hơn, dựa trên nền tảng hệ thống chính sách, pháp luật đã được Đảng, Nhà nước và thành phố ban hành, các xã, phường cần quan tâm đến các trụ cột phát triển bảo đảm phù hợp với địa phương. Theo đó, các mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi xã, phường cần hướng trọng tâm vào “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị là: Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân. Với “bộ tứ” này, các xã, phường cần nghiên cứu xây dựng được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và mang tính chiến lược nằm trong tổng thể nhiệm vụ của thành phố trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, các xã, phường cũng cần căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô năm 2024 để lượng hóa các chỉ tiêu phát triển, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Với tầm nhìn cùng các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể cả trước mắt và dài hạn, các xã, phường cần đặt mình ở vị thế mới, để có tâm thế mới trong định hình con đường phát triển. Trong bối cảnh thực tiễn hiện nay ở Thủ đô, các địa phương cần lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính đóng góp phát triển kinh tế. Cùng với chính quyền thành phố, chính quyền các xã, phường và nhân dân Thủ đô cần ưu tiên, dồn trọng tâm vào việc xử lý những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh như: Ô nhiễm môi trường, nhất là cải thiện chất lượng không khí, cải tạo các dòng sông nội đô, phát triển thêm các công viên, vườn hoa... Đồng thời, các địa phương cần ưu tiên quỹ đất để phát triển giao thông công cộng; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; bảo đảm an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người dân... Tổng thể các giải pháp là làm sao để nâng cao phúc lợi xã hội, qua đó góp phần tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô.
3. Các đơn vị cấp xã, phường của Thủ đô hiện nay có quy mô lớn hơn, nhiệm vụ và trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Tuy vậy, trên phương diện tổng thể, đây chính là cơ hội quý để chính quyền địa phương đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị địa phương và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân.
Trách nhiệm càng cao, yêu cầu đặt ra càng lớn. Bộ máy chính quyền xã, phường của Thủ đô hiện nay phải mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân hơn. Làm sao để chính quyền các xã, phường là nơi đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố đi vào cuộc sống một cách thực chất, hiệu quả; bảo đảm không trễ việc, không ách tắc, không ảnh hưởng đến hoạt động xã hội, nhất là các công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, dịch vụ công thiết yếu...
Với vị thế mới, chính quyền các xã, phường, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần quán triệt tinh thần chính quyền phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất, đến tận người dân, doanh nghiệp.
Trong hành trình mới có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức này, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng. Vì vậy, sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất sẽ tạo ra sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, chung tay xây dựng quê hương ngày càng văn minh và giàu mạnh.
Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, tinh thần đoàn kết, trí tuệ, khát vọng phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và sự đồng hành, tin tưởng của nhân dân Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền 126 xã, phường sẽ đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đi đầu trong đổi mới mô hình quản lý, nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Với ý chí đổi mới không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục gương mẫu đi đầu, thực hiện thành công mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm hệ thống tổ chức vận hành trơn tru, hiệu lực, hiệu quả; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nâng cao phúc lợi xã hội và mở rộng cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trong giai đoạn mới.
Chí Kiên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/vi-the-moi-van-hoi-moi-708590.html