Cơ chế hợp tác ngày càng có trọng lượng trên toàn cầu
Ra đời từ năm 2009, nhóm BRICS ban đầu gồm 5 quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là những đại diện cho các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Qua hơn một thập niên phát triển, BRICS đã mở rộng không chỉ về số lượng thành viên mà còn về phạm vi ảnh hưởng, trở thành một trong những trụ cột của trật tự thế giới đang định hình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025
Một số con số tiêu biểu minh chứng cho tiềm năng của BRICS hiện nay, trong đó bao gồm: BRICS chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, 23% GDP thế giới, 18% thương mại quốc tế, 42% dân số toàn cầu, 30% diện tích lục địa, tương đương 3,2 tỷ người, 36% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) và 72% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khi các nền kinh tế công nghiệp hóa đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng (từ 2,7% năm 2022 xuống còn 1,4% năm 2023), các quốc gia đang phát triển thuộc Nam bán cầu lại đạt mức tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay. Các nền kinh tế mới nổi trong BRICS ngày càng chứng tỏ là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Với vị thế, vai trò ngày càng được khẳng định, chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025: “Tăng cường hợp tác Nam - Nam vì một nền quản trị toàn diện và bền vững hơn” cho thấy rõ hơn định hướng của BRICS là xây dựng một hệ thống toàn cầu công bằng, cân bằng và có sự tham gia đầy đủ hơn của các nước đang phát triển. Với 6 nội dung nghị sự trọng tâm gồm: Cải cách kiến trúc hòa bình và an ninh đa phương; hợp tác trong lĩnh vực y tế; cải thiện hệ thống tài chính quốc tế; ứng phó khủng hoảng khí hậu; trí tuệ nhân tạo; tăng cường thể chế BRICS, mở rộng sự tham gia và đối thoại với các nhóm xã hội khác nhau, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong một thế giới phức tạp, phân cực.
Việc Việt Nam trở thành quốc gia đối tác của BRICS là bước đi phù hợp với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa mà Việt Nam kiên trì theo đuổi suốt gần 40 năm qua. Quyết định này phản ánh rõ quyết tâm của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc trở thành đối tác tin cậy và tích cực đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đây cũng là sự khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương công bằng và hiệu quả hơn.
Là nước đối tác của BRICS sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ, đồng thời tăng cường vị thế chính trị và ngoại giao, từ đó, mở rộng ảnh hưởng tới các khu vực xa xôi như Nam Mỹ, nơi hai bên có tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn nhưng chưa được khai thác nhiều. Sự hiện diện của Việt Nam sẽ góp phần nâng cao uy tín của BRICS nhờ vai trò, vị thế cũng như kinh nghiệm hợp tác lâu năm của Việt Nam với các nước đang phát triển, đặc biệt tại Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Với tư cách là đại diện tiêu biểu của Đông Nam Á trong BRICS, Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy định hướng hợp tác khu vực mà BRICS đang chú trọng.
Ba thông điệp lớn của Việt Nam gửi tới cộng đồng quốc tế
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách Nước đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị. Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam mang theo 3 thông điệp lớn gửi tới cộng đồng quốc tế, không chỉ khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn mà còn thể hiện tầm vóc và khát vọng của một quốc gia đang trỗi dậy, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ nhất, tiếp nối các hoạt động đối ngoại đa phương cấp cao sôi động của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ đầu năm đến nay, chuyến công tác của đoàn cấp cao do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu là dịp để Việt Nam một lần nữa khẳng định thông điệp của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển cũng như quyết tâm và khát vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Chủ đề của Hội nghị là những vấn đề được cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước đang phát triển quan tâm hiện nay như tăng cường chủ nghĩa đa phương, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường… Việc tham dự Hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thúc đẩy quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức hiện nay, cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, tầm nhìn, thực tiễn về phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên và lợi ích của ta.
Thứ hai, ở góc độ song phương, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp, chuyến thăm tiếp tục khẳng định Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy” của bạn bè quốc tế. Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ là một “cầu nối” đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ.
Cuối cùng, chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam. Brazil là nước có quan hệ Đối tác chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
BRICS quy tụ những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới và là một cơ chế đặt ưu tiên vào việc tháo gỡ các nút thắt kinh tế - những thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Do vậy, xây dựng quan hệ đối tác thương mại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kết nối và thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng là những nội dung luôn hiện diện trong chương trình nghị sự của BRICS.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều vào chương trình nghị sự đó, bởi Việt Nam là hình mẫu của sự năng động, tăng trưởng và ổn định, đồng thời nỗ lực dung hòa các mục tiêu phát triển với chính sách bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội. Những ưu tiên này hoàn toàn phù hợp với định hướng và thực tiễn của BRICS, đồng thời góp phần củng cố hợp tác đa phương. Bên cạnh việc thúc đẩy kết nối và tăng cường chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể hợp tác với các thành viên khác trong lĩnh vực môi trường, chuyển đổi năng lượng và các sáng kiến tiếp cận công nghệ sáng tạo. Trên phương diện chính trị-ngoại giao, cũng như Brazil, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời ủng hộ một nền quản trị toàn cầu mang tính đại diện hơn.
Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 tại Brazil một lần nữa khẳng định, Việt Nam không chỉ là một phần của thế giới đang thay đổi, mà còn là một nhân tố đang góp phần tích cực định hình tương lai của thế giới ấy với một tinh thần trách nhiệm, hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
HOÀNG TUẤN