Vị thuốc quen thuộc trong phim cung đấu

Vị thuốc quen thuộc trong phim cung đấu
20 giờ trướcBài gốc
Hồng hoa có màu đỏ cam rất rực rỡ, cánh hoa khi khô lại nhìn giống nhụy hoa nghệ tây, cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. Ảnh: D.L.
Hồng hoa là vị thuốc phổ biến để thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ. Theo Bản thảo cương mục, hồng hoa giúp hoạt huyết, nhuận táo, giảm đau, tiêu sưng và thông kinh.
Nó thuộc kinh tâm bào và kinh can, do công dụng hoạt huyết thông kinh tốt và giúp giảm đau hiệu quả nên được sử dụng nhiều trong phụ khoa cũng như điều trị chấn thương, có tác dụng với các trường hợp đau bụng kinh, mất kinh, tiết dịch không ngừng ở sản phụ cùng các loại đau bụng, đau tức ngực và sườn gây ra do huyết ứ.
Nhiều bạn nữ từng biết đến hồng hoa qua phim ảnh. Trong các bộ phim cung đấu, phi tần mĩ nữ thường dùng hồng hoa để khiến đối thủ của mình sảy thai, chính là lợi dụng khả năng hoạt huyết hóa ứ của nó. Vì vậy các bà bầu tuyệt đối không được dùng hồng hoa.
Bạn cũng cần chú ý để phân biệt hồng hoa với nhụy hoa nghệ tây, mọi người đừng mua nhầm nhé. Hồng hoa của chúng ta là hồng hoa làm thuốc, có hoa màu đỏ vàng.
Các nghiên cứu dược lý của y học hiện đại đã chỉ ra rằng hồng hoa có thể kích thích sự co bóp của tử cung, đặc biệt tác dụng rất rõ ràng đối với phụ nữ mang thai. Vì vậy thai phụ sử dụng hồng hoa sẽ kích thích tử cung co bóp, dễ dẫn đến sảy thai.
Nhưng đối với phụ nữ bị chảy máu sau sinh dai dẳng, sự kích thích này lại giúp tiêu huyết ứ. Hồng hoa tác động đến cơ trơn của phế quản và các cơ quan khác, từ đó thúc đẩy khí, thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ.
Khi sử dụng hồng hoa, bạn cần chú ý đến liều lượng. Người xưa có câu “dùng nhiều thì phá huyết, dùng ít thì dưỡng huyết”. Có nghĩa là cần sử dụng đủ lượng hồng hoa mới đạt được công dụng hoạt huyết hóa ứ, còn nếu dùng ít thì thiên về tác dụng dưỡng huyết.
Thực ra, đa phần chúng tôi dùng hồng hoa để hóa ứ và giúp máu lưu thông, chứ ít khi sử dụng để dưỡng huyết. Nếu bạn dùng để điều hòa cơ thể hàng ngày thì cũng không thể dùng quá nhiều. Dưới đây tôi sẽ giới thiệu một số công thức nấu ăn từ vị thuốc hồng hoa cho các bạn tham khảo.
Đầu tiên là Đào Hồng Tứ Vật thang, nguyên liệu bao gồm: đương quy, thục địa hoàng, xuyên khung, bạch thược, đài nhân và hồng hoa; mỗi loại 15g. Trước khi đun nhớ thêm một chút rượu, sau đó mới đổ nước.
Độ an toàn và tính hiệu quả của bài thuốc này đã được kiểm chứng qua hàng nghìn năm, tác dụng hoạt huyết hóa ứ rất tốt, thúc đẩy tuần hoàn máu, qua đó điều hòa kinh nguyệt, cải thiện tình trạng da của chị em phụ nữ.
Nếu muốn loại bỏ can ứ, hãy lấy 3g hồng hoa, 15g ích mẫu, 20g đường đỏ nấu thành nước đường đỏ hồng hoa. Cách làm cụ thể như sau: Rửa sạch hồng hoa và ích mẫu, cho vào nồi, thêm 500ml nước, đun sôi trên lửa to rồi chuyển lửa nhỏ đun tiếp nửa tiếng, vớt bỏ bã, bạn sẽ thu được khoảng 50ml nước.
Sau đó thêm đường phèn, khuấy đều và thưởng thức. Đồ uống này giúp điều trị hiệu quả chứng đau bụng kinh do huyết ứ gây ra hoặc sản phụ tiết ra sản dịch liên tục.
Chúng ta cũng có thể làm thức uống từ hồng hoa và tang chi. Bạn cần 3g hồng hoa, 30g tang chi và 10g kê huyết đằng. Sau khi rửa sạch cho vào túi lọc rồi để trong nồi đun với nước cùng rượu gạo, sau khi sôi chuyển lửa nhỏ đun khoảng một tiếng. Vớt túi thuốc ra, cho đường vừa miệng là được.
Uống hai lần vào buổi sáng và buổi tối, thưởng thức khi còn nóng. Công thức này giúp tư âm dưỡng huyết, hoạt huyết thông kinh, chữa trị hiệu quả các chứng đau bụng kinh và tức sườn, ngực.
Ngoài ra, có thể hầm hồng hoa với gà, tốt nhất nên chọn gà đen. Cần 3g hồng hoa, 1 con gà đen, 15g đương quy. Cách làm cũng rất đơn giản, rửa sạch hồng hoa và đương quy rồi nhồi vào bụng gà, sau đó làm như món gà hầm thông thường. Món ăn này giúp bồi bổ khí huyết, loại bỏ ứ trệ, giảm đau, hoạt huyết, thông kinh, tốt cho người kinh nguyệt ít, đau bụng kinh, cải thiện tình trạng tử cung lạnh [1].
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại, phụ nữ trong kỳ kinh và phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng hồng hoa. Người kinh nguyệt nhiều, hay chảy máu cũng không nên sử dụng.
[1] Tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, mạch máu tử cung co thắt lại khiến tử cung thiếu máu nuôi, cản trở rụng trứng, khó thụ thai thành công.
Thẩm Ninh/ Skybooks & NXB Dân trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-thuoc-quen-thuoc-trong-phim-cung-dau-post1542836.html