Liên Hoa Sinh, thường được biết đến với danh xưng Guru Rinpoche (đức Tôn Sư Tôn Quý), là một nhân vật trung tâm trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, một bậc đại thành tựu giả Mật tông, người mang năng lực chuyển hóa tâm linh sâu sắc.
Cuộc đời và huyền thoại về ngài dung hợp giữa lịch sử, thần thoại và nghi lễ biểu hiện, phản ánh những vai trò đa dạng: từ bậc hành giả đạt đạo (mahasiddha), một người chữa bệnh, pháp sư, hành giả du già ái dục, cho đến một vũ công tâm linh. Thân phận của ngài vượt ngoài giới hạn thời gian thông thường, tự do chuyển hóa giữa các chiều kích hiện hữu.
Guru Rinpoche là một mẫu hình tổng hợp, một nhân vật huyền thoại - tôn giáo vĩ đại đến mức được tôn xưng là “đức Phật thứ hai” - vì công đức đưa Phật giáo Mật tông đến Tây Tạng và tiếp tục gia hộ, hoằng truyền giáo pháp xuyên suốt dòng lịch sử.
Zandokpalri , 2012. Cung điện màu đồng của Guru Rinpoche ở một chiều không gian khác. Từ Zandok Palri: Cung điện ánh sáng hoa sen của Guru Rinpoche, Tầm nhìn về Thiên đường Phật giáo ở Vương quốc Bhutan thiêng liêng. Nhà xuất bản Gatshel, 2012. Lưu ý nhiều vũ công ở trong, phía trên và xung quanh Zandokpalri. Bức tranh này mô tả hành trình đến Zandokpalri của một nhà tiên tri huyền bí, người đang học một điệu nhảy từ các dakini trên bục vàng bên trái. Hình ảnh do tác giả cung cấp.
Cốt lõi của danh hiệu Guru Rinpoche là một con người hiện hữu: ngài Liên Hoa Sinh. Khi xét về tính xác thực của vũ đạo, điều hợp lý là phải khám phá những hoạt động nhân sinh của Liên Hoa Sinh, bao gồm những vũ khúc ngài từng học, từng biểu diễn, từng phát triển, cũng như các pháp môn Mật tông mà ngài đã tu học, thực hành và tinh luyện.
Phật giáo Đại thừa từng là một cơn địa chấn mang tính siêu hình. Từ một hệ thống thực hành dựa vào lịch sử và lời dạy của đức Phật Thích Ca, Đại thừa mở rộng thành một vũ trụ quan đầy tính biểu tượng và thần thánh. Đức Phật Thích Ca giờ chỉ còn là một trong vô số vị Phật: Phật của các đại kiếp, Phật của từng phẩm tính, các cõi Phật, năm vị Phật Trí Tuệ, Phật Nguyên sơ… tất cả mở rộng đến tận cùng của trí tưởng tượng siêu hình.
Tám biểu hiện của Guru Rinpoche , trình diễn nghệ thuật Chăm , Tu viện Daktok, Làng Sakti, Ladakh, 2014. Ảnh: Jonathon Kendrew
“Một đời tám hóa thân” của Guru Rinpoche là một trong những mô tả sớm nhất, về mặt văn bản, nghi lễ, triết học và sùng tín, có thể tìm thấy trong Liên Hoa Sinh truyện, một bản tiểu sử tâm linh được cho là do Yeshe Tsogyal, người phối ngẫu Mật tông của ngài ghi chép lại.
Sơ đồ tám hóa thân ấy đồng thời là nền tảng cho một nghi lễ vũ đạo cổ xưa, gọi là cham, một hình thức múa thiền trong tu viện.
Nhưng cham ở đây giống như một cuộc rước, một hình ảnh sống động (tableaux vivant) hơn là vũ đạo theo nghĩa thông thường.
Một cảnh nữ khandum giận dữ nhảy múa trong trải nghiệm sau khi chết bardo . Tu viện Lamyuru, Ladakh. Sách Tây Tạng về cái chết ( Bardo Thodol ) được cho là của Guru Rinpoche. Hình ảnh do Core of Culture cung cấp.
Trong cấu trúc Đại thừa, nơi các hóa thân và cõi Phật được xây dựng chồng lớp, Liên Hoa Sinh chỉ là một trong tám hóa thân của Guru Rinpoche. Thậm chí, đức Phật Thích Ca, vị Phật lịch sử khai sáng đạo Phật, cũng được xem là một trong tám hóa thân ấy. Điều này cho thấy, bản thể siêu hình của Guru Rinpoche đã trở thành một hợp thể thần linh, xuyên qua các cảnh giới, du hành vượt thời gian, mang giáo pháp đến nhân gian dưới nhiều hình tướng khác nhau. Vào thời kỳ đó, xã hội Tây Tạng chưa có chữ viết phổ biến, nên những vũ khúc cham như “Tám hóa thân của Guru Rinpoche” chính là phương tiện giáo hóa đại chúng, tương tự như những ô kính màu trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo châu Âu dạy giáo lý qua hình ảnh.
Dù tất cả điều này có là chân lý hay chỉ là một dạng huyền thoại tâm linh khoác áo giáo lý chính thống, thì một điều vẫn rõ ràng: huyền thoại về Padmasambhava/Guru Rinpoche luôn gắn liền với vũ đạo, những vũ khúc thật, của con người thật. Và chỉ có như vậy, vũ đạo mới có thể được truyền thừa. Những truyền thống vũ đạo còn tồn tại tại Swat (Pakistan), Kathmandu (Nepal), Bhutan và khắp vùng Tây Tạng là minh chứng sống động cho vai trò thiết yếu của vũ đạo trong hành trình tâm linh và thể lý của Guru Rinpoche, từ vùng Swat cho đến khi đặt chân lên đất Tây Tạng.
Cho đến nay, chưa từng có nhà nghiên cứu vũ đạo nào kết nối được những truyền thuyết về Liên Hoa Sinh với các vũ khúc cụ thể. Giờ đây, điều ấy đã có thể thực hiện được.
Nhà nghiên cứu và tác giả vũ đạo Karen Greenspan sẽ cùng tôi tổ chức một khóa học đặc biệt, phối hợp cùng tổ chức Nghệ thuật và Âm nhạc Yangchenma, vào các ngày Chủ Nhật từ 27 tháng Tư đến 18 tháng Năm: “Cõi Phật Vũ Khúc Mật Tông của Liên Hoa Sinh: Khôi phục vị trí của vũ đạo trong huyền thoại về đức Guru Rinpoche”.
Trong nhiều thập kỷ, tôi và Karen Greenspan đã dấn thân nghiên cứu về những vũ khúc liên quan đến Liên Hoa Sinh khắp dãy Himalaya, Ấn Độ và Tây Tạng. Chúng tôi đã ghi chép, học hỏi, tái hiện chúng tại các bảo tàng, trong sách vở và qua vô số chuyến đi. Chúng tôi quen biết nhiều nghệ nhân vũ đạo truyền thống. Trong khóa học này, chúng tôi sẽ kết nối vũ khúc với truyền thuyết, địa lý, huyền học và giáo lý liên quan đến hình ảnh siêu việt của đức Liên Hoa Sinh, để một lần nữa khẳng định vị trí vốn có của vũ đạo trong hành trình giác ngộ ấy.
Vũ đạo vốn dĩ đã hiện diện từ thuở đầu. Có thể, phương Tây đã bỏ qua hoặc xem nhẹ trong quá trình nghiên cứu Phật giáo. Nhưng điều đó đang thay đổi. Thực tế, có rất nhiều hình thức vũ đạo đương đại vẫn đang tiếp nối tinh thần Guru Rinpoche và chúng tôi không thể đề cập hết trong khuôn khổ khóa học này.
Mỗi buổi học trong khóa bốn tuần sẽ tập trung vào một khía cạnh then chốt thể hiện yếu tố “vũ đạo” trong hành trạng của đức Liên Hoa Sinh (Padmasambhava):
Tuần 1: Guru Rinpoche là ai?
Tuần 2: Hành trình thế gian của Padmasambhava (bao gồm các điệu múa và nghĩa địa thiền định).
Tuần 3: Các kho tàng tâm linh, người phát lộ, và những vũ điệu kho tàng.
Tuần 4: Thực hành vũ đạo đương đại và sự tiếp nối di sản của Guru Rinpoche.
Sự gắn bó sâu sắc giữa Padmasambhava và nghệ thuật múa đặc biệt rõ nét tại các quốc gia vùng Himalaya, nơi những giáo pháp thiêng liêng được thể hiện và gìn giữ qua các vũ điệu nghi lễ. Những vũ điệu này tồn tại song hành trong nghi lễ tôn giáo lẫn truyền thống dân gian, có thể là độc diễn hoặc đồng diễn, đều mang tính biểu tượng cao, giúp người tham dự thể hiện và chuyển hóa ý thức trong từng bước múa.
Padmasambhava là một bậc thầy Mật giáo bí truyền và cũng là một vũ công kiệt xuất, ông từng sống giữa các nền văn hóa vũ đạo và tiếp cận nhiều truyền thống múa còn tồn tại đến nay ở Swat (Pakistan ngày nay), Nepal, Bhutan và Tây Tạng. Việc những truyền thống này vẫn sống động sau hàng nghìn năm là điều kỳ diệu.
Padmasambhava, tượng đất sét, Bhutan, Ảnh, bản quyền: Tony Bowall.
Di sản của Guru Rinpoche không chỉ tồn tại trong kinh sách hay sự tôn kính cá nhân, mà còn hiện diện ngay nơi thân thể đang múa. Thân thể múa chính là nơi giáo pháp được “sống”, được lưu giữ và truyền trao, như đã được thực hành qua nhiều thế hệ, từ vũ công này sang vũ công khác. Đây là cách mà vũ điệu được tiếp nối. Ngay cả khi văn bản bị thất truyền, chính những điệu múa vẫn giữ gìn huyền thoại về Guru Rinpoche.
Dù các học giả hiện đại còn tranh cãi về tính lịch sử của Padmasambhava, nhưng ảnh hưởng văn hóa và tâm linh của ngài là điều không thể phủ nhận. Những vũ điệu truyền thống còn được lưu giữ, những màn trình diễn sống động gắn với ngài là sự kết tinh của truyền thuyết huyền thoại, nghi lễ tôn giáo và chuyển động thiêng liêng.
Trong bối cảnh đó, vũ đạo vượt qua hình thức biểu diễn đơn thuần, trở thành phương tiện tu tập, biểu hiện của hoạt động giác ngộ và là phương thức truyền trao trí tuệ cổ xưa.
Vũ đạo nghi lễ là nơi lưu giữ các kỹ thuật và giáo pháp tâm linh. Chỉ từ thế kỷ 20, giới nghiên cứu phương Tây mới có thể tiếp cận và hiểu sâu hơn về những vũ điệu này. Nghiên cứu vũ đạo là một ngành còn rất mới trong lĩnh vực Phật học. Karen và tôi đã dành nhiều thời gian để cùng nhau khảo sát, kết nối các tư liệu sẵn có và tổ chức thành một khóa học chuyên biệt - một hành trình khám phá thực sự hứng khởi khi các mảnh ghép dần được ráp lại.
Trong tháng tới, tôi sẽ giới thiệu những điệu múa tại Swat, Kathmandu, Bhutan và Tây Tạng. Khi nối kết theo hành trình du hóa của Padmasambhava, ta có thể thấy một tiến trình phát triển vũ đạo mang tính biên niên và mang cả ứng dụng của các kỹ thuật yoga thiền định. Hành trình múa của đức Liên Hoa Sinh là hành trình hướng nội, gắn với sự thanh lọc và tiến hóa tâm linh.
Ngài từng băng qua các nghĩa địa thiền định trên đường từ Swat đến Tây Tạng, nơi ngài học và thực hành Mật giáo cùng các Dakini - những nữ hành giả giác ngộ. Từ những gì ngài học được trong vai trò một vũ công và hành giả Mật giáo, trải dài từ Swat đến Samye, ta thấy rõ đỉnh điểm của hành trình là khi ngài thiết lập Phật giáo Mật tông tại Tây Tạng thông qua nghi thức múa mang tính thuần phục các thế lực tà kiến. Samye là nơi Padmasambhava sáng lập ra truyền thống Phật giáo Nyingma - dòng Mật tông lâu đời nhất, trong đó vũ điệu nghi lễ (cham) giữ vị trí trung tâm.
Tám biểu hiện của Guru Rinpoche, một bức tranh thêu được treo trên tường của một tu viện ở Bhutan, năm 2008 (ảnh chụp màn hình). Hình ảnh do Core of Culture cung cấp.
Lần đầu tiên, chúng tôi có thể kết nối các điệu múa và các pháp tu Mật giáo để dựng lại hành trình thân - tâm của Padmasambhava. Giữa huyền thoại và lịch sử, vũ điệu là điều chân thật và là chìa khóa để tiếp cận chiều sâu tâm linh của Guru Rinpoche.
Xin mời quý vị cùng tham gia khóa học và khám phá các vũ điệu cổ xưa gắn liền với di sản của đức Liên Hoa Sinh.
Tác giả: Joseph Houseal/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net