Năm 2013, trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Khuất Duy Tiến-người chiến binh đã đánh hàng trăm trận, xúc động kể lại, ông sinh ra trong một gia đình cố nông, từ tuổi thiếu niên ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở quê hương. Tháng 9-1950, ông xung phong nhập ngũ. Từ một tân binh tập đi “Mốt, hai” còn ngượng nghịu, tập bắn súng chưa biết nheo mắt, nhưng ước mơ được giữ và bắn súng trung liên, ông đã kiên trì phấn đấu trở thành tổ trưởng 3 người, Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng và trưởng thành trong chiến đấu là cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn, Sư đoàn và Tư lệnh Quân đoàn 3 chủ lực lừng lẫy chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Trung tướng Khuất Duy Tiến (ngồi giữa) cùng các tướng lĩnh và Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng.
Gần 20 năm làm Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320, ông đã cùng tập thể Ban liên lạc tổ chức chặt chẽ từ Ban liên lạc Sư đoàn đến các Trung đoàn, các địa phương nơi đơn vị đã từng chiến đấu và lập những chiến công anh hùng. Từ các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế… Ông đã dày công chỉ đạo để những chiến công oanh liệt của Đại đoàn Đồng Bằng được sống lại trong các tập sách: “60 năm tình nghĩa thủy chung”; “ 70 năm chiến công và nghĩa tình”… Từng trang sách như những dòng lịch sử thấm đọng xương máu của các Anh hùng liệt sĩ, là tình cảm thân thương nhất của nhân dân dành cho Bộ đội Cụ Hồ trên khắp các chiến trường và tình nghĩa thủy chung của đồng chí, đồng đội với các gia đình thương binh liệt sĩ của Đại đoàn và những miền quê yêu dấu đã in dấu chân của người lính Đại đoàn Đồng Bằng. Ông là người thắp lửa và truyền nhiệt huyết cho lớp lớp cán bộ của đơn vị Anh hùng ngay từ trong thời bình, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thật khó có Ban liên lạc truyền thống nào được duy trì tổ chức chặt chẽ hoạt động nền nếp và hiệu quả như vậy.
Ông đã tâm huyết cùng Ban liên lạc thu thập tư liệu và gặp lại các nhân vật lịch sử mà tìm lại được gốc tích quê hương bản quán của đồng đội đã anh dũng hy sinh để đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng như: Thượng tá Sư đoàn phó liệt sĩ Trần Ngọc Chung trong chiến dịch Quảng Trị; Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Doanh trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào; anh Hùng Nguyễn Xước Hiện, xạ thủ B 41 chặn địch ở Cheo Reo, Phú Bổn trong chiến dịch Tây Nguyên và đang hoàn thiện hồ sơ tuyên dương Anh hùng liệt sĩ Đàm Vũ Hiệp, người tiểu đoàn trưởng hy sinh ở điểm cao 1015 (Sạc Ly).
Người Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến ghi nhớ hành động chiến đấu dũng cảm, bị thương không rời trận địa của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh trong trận đánh đồi Không tên chiến dịch Đường 9 Nam Lào, ông và Trung đoàn 64 đề nghị tuyên dương Anh hùng quân Giải phóng miền Nam năm 1971. Thật xúc động khi làm hồ sơ xét duyệt tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông đã xúc động đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng cho Tiểu đoàn trưởng - Liệt sĩ Nguyễn Quốc Doanh là những cán bộ đã cùng ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu.
Trung tướng Khuất Duy Tiến thăm và tặng quà Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Từ năm 2018 đến năm 2020, Trung tướng Khuất Duy Tiến và Ban liên lạc Đại đoàn đã khởi xướng đề xuất và xây dựng Nhà bia chiến thắng nơi ghi dấu chiến công oanh liệt và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ ở Chư Bồ - Đức Cơ; điểm cao 1049 - 1015 ở Sa Thầy - Kon Tum; ở Đồng Dù - Củ Chi bằng tiền của và mồ hôi công sức của chính những cựu chiến binh Sư đoàn 320, trị giá mỗi công trình hàng tỷ đồng. Khi hàn huyên tâm sự với người vợ thủy chung thảo hiền Vũ Thị Hồng Vân, cụ ông cụ bà có sổ tiết kiệm vài trăm triệu đồng, ông nói: "Rút một phần công đức xây dựng nhà bia". Cụ bà đã khẳng khái: “Có các liệt sĩ chiến đấu cùng ông để đất nước có hòa bình nhà mình mới được thế này, cứ công đức hết”.
Kỷ niệm 70 năm truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng ông chỉ đạo Ban liên lạc kết hợp cùng chỉ huy Sư đoàn 320, Sư đoàn 390 tôn tạo Nhà bia kỷ niệm, lập ban thờ trang trọng thờ cúng Bác Hồ, thờ cúng Đại tướng Văn Tiến Dũng, thờ cúng các Anh hùng liệt sĩ và công đức khôi phục hoành phi câu đối cổ ở đình Mống Lá, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình-nơi thành lập Đại đoàn Đồng Bằng năm 1951.
Ông bà tuổi đã cao ở căn nhà mấy chục mét vuông thế mà cứ có cán bộ của Sư đoàn 320 hay anh em đồng đội đến thăm chỉ muốn nghỉ ở nhà ông bà cho tình cảm ấm cúng chứ không nghỉ ở khách sạn hay nhà khách Bộ Quốc phòng. Ông đặc biệt quan tâm đến đồng chí, đồng đội, con của các liệt sĩ. Thấy đồng chí, đồng đội thiếu thốn ông cho cả quân phục vẫn đang sử dụng, có người ông tặng cả thứ quý nhất là Huân huy chương, Huy hiệu Anh hùng. Ông không quản khó khăn, sẵn sàng chia sẻ khi xác minh làm rõ những trường hợp chưa được hưởng đầy đủ chính sách cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Các nạn nhân chất độc da cam có đồng đội như cụ Phạm Quang Thụy-người cùng bị bắt với ông trong kháng chiến chống Pháp ở Thái Bình, bị tù đầy ở Phú Quốc. Ông về tận nơi trao kỷ niệm chương của Đại đoàn với sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền các cấp để người cựu chiến binh hơn 90 tuổi khi ra đi thanh thản, mãn nguyện. Người chiến tướng hơn 70 năm tuổi Đảng, người thương binh đã 8 lần bị thương là tấm gương sáng được tôi luyện trong chiến đấu, trong cuộc sống đã trên 90 tuổi được suy tôn là Công dân ưu tú của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Khuất Duy Tiến và tác giả trong Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng 16-1-2024.
Đầu năm 2024 họp Ban liên lạc truyền thống. Anh Tân, anh Hoan, anh Dung, anh Hinh, anh Hậu, anh Hải, anh Việt, anh Luân, anh Độ, anh Sở, anh Hoạt, anh Hiền, anh Tùng… chúng tôi rất lo lắng vì sức khỏe của ông nhưng gắng mời ông đến dự Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng. Mặc dù sức yếu, ông cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đến dự, cả hội trường xúc động được nghe lời tâm huyết dặn dò của người chỉ huy, người anh, người cha với các con cháu của Đại đoàn Đồng Bằng Anh hùng.
Chiều 23-11-2024 (tức ngày 23-10 âm lịch), cụ đã thanh thản ra đi trong tình tiếc thương vô hạn của cụ bà Vũ Thị Hồng Vân, của các con Khuất Việt Dũng, Khuất Việt Hùng, Khuất Thị Thu Hồng, Khuất Hải Oanh, cùng các cháu chắt. Những người thân yêu vẫn đang kế thừa nhiệt huyết của Anh hùng Khuất Duy Tiến gìn giữ truyền thống gia phong, xây dựng quê hương đất nước. Ngày 26-11, các cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh trên khắp mọi miền với đội ngũ trang nghiêm sẽ tiễn đưa vị tướng Anh hùng Khuất Duy Tiến, họ hàng, quê hương, làng xóm đón người con ưu tú của quê hương về yên nghỉ ở đất mẹ thân thương.
Thủ trưởng Khuất Duy Tiến kính mến, chúng con luôn nhớ mãi những lần được ở bên người, được thầy truyền cho bản lĩnh ý chí, tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Phẩm chất cách mạng của người anh hùng Khuất Duy Tiến cùng những chiến công oanh liệt của Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 mãi mãi sống trong tim cán bộ, chiến sĩ và các cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng Anh hùng.
Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT