Trong những ngày Tháng 4 lịch sử, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra Triễn lãm 50 năm vang mãi bản hùng ca, giới thiệu gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá phản ánh chặng đường đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và quá trình xây dựng, phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh. Ảnh: Tịnh Hà
Tại đây, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 đã có những chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân về những kỷ niệm, những trận đánh với khí thế hào hùng, bất khuất cùng sự hy sinh, gian khổ, khốc liệt trên chiến trường miền Nam của quân và dân ta cách đây 50 năm.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh gia nhập quân đội năm 24 tuổi (năm 1963) khi quân đội Sài Gòn ở miền Nam được trợ giúp của Mỹ, tiến hành leo thang chiến tranh vượt qua vĩ tuyến 17, phá hoại nhiều điều khoản của Hiệp định Genève. Cuộc đời binh nghiệp của ông lại gắn liền với chiến trường miền Đông Nam Bộ oanh liệt, với nhiều trận đánh lớn, nhỏ, từ giải phóng Chi khu Đồng Xoài, Phước Long, Chi khu Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Long Khánh… cho đến những trận đánh trên đường 13, chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử...
Với vóc dáng nhỏ bé nhưng Tướng Doanh lại có quá khứ chiến đấu đầy anh dũng, kiên cường, nhiều lần từng cận kề “lằn ranh sinh tử”.
Trong chiến dịch giải phóng miền Nam, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ đánh hướng Đông Bắc vào giải phóng Sài Gòn và là một trong 5 cánh quân được nhận lá cờ từ tay chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm để vào cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh tại Triễn lãm 50 năm vang mãi bản hùng ca. Ảnh: Tịnh Hà
Trong hồi ức của mình, Tướng Doanh cho biết, điều tiếc nuối nhất ở trận đánh lớn cuối cùng là đơn vị được trao vinh dự, nhận lá cờ từ chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm để vào cắm trên nóc Dinh Độc Lập, vì đã từng chiến thắng và cắm cờ trên tòa tỉnh trưởng Phước Long trong trận giải phóng đường 14 - Phước Long vào ngày 6.1.1975. Nhưng nhiệm vụ đã không thể thực hiện.
Tướng Doanh nhớ lại: “Đêm 29, rạng sáng 30.4, trên đường tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến cầu Suối Máu, Biên Hòa thì gặp địch đánh chặn, buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trong suốt đêm 29.4. Vào đến cầu Mới (cầu Hóa An hiện nay) bị đánh sập 2 nhịp, đơn vị buộc phải quay về phía ngã ba Vũng Tàu; tiếp đó được lệnh phối hợp cùng các đơn vị bạn mở toang “Cánh cửa thép Xuân Lộc”, cho các cánh quân tiến về Sài Gòn nên đã chậm bước tiến, không thể thực hiện được nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập”.
Là một nhân chứng chứng kiến giờ phút thiêng thiêng: Lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc lập, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ, lúc đó niềm hạnh phúc ngập tràn, không chỉ tôi mà của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công, 6 Huân chương Chiến công các loại, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, và nhiều huân huy chương khác.
Sau khi tiến về Sài Gòn, Sư đoàn 7 là 1 trong 3 Sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 tham gia làm nhiệm vụ quân quản, Trung đoàn 141 của ông được giao quản lý các địa bàn Quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức).
Sau hơn 4 tháng làm nhiệm vụ, với người Chính ủy Trung đoàn lừng danh một thời, đó là khoảng thời gian đầy thử thách khi liên tục diễn ra các cuộc đấu trí căng thẳng. Trong đó, việc những tuyên truyền không đúng sự thật của chế độ cũ về cộng sản là trở ngại rất lớn để ta tiếp xúc với nhân dân Sài Gòn.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ, chính câu nói và cũng là mệnh lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà hát lớn Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng: “Vào thành vững như thành, các đồng chí đã chiến thắng được gian khổ, súng đạn chiến trường rồi, thì không được lung lay ý chí, phải chiến thắng được viên đạn bọc đường”đã giúp ông vượt qua thử thách trong suốt cuộc đời binh nghiệp".
Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 87, mái đầu đã bạc trắng, đôi chân đã mỏi, sức khỏe yếu đi nhiều, nhưng vị tướng tài ba giàu bản lĩnh trận mạc và mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh vẫn đau đáu miền mong mỏi, thế hệ trẻ hãy luôn tự tin khẳng định mình, luôn cố gắng vươn lên, ra sức phấn đấu học tập, công tác tốt.
“Trên bước đường đi đến đích thành công dù gặp nhiều khó khăn, gian khổ vẫn luôn kiên trì để đạt được mục đích, ước mơ. Dù công việc khó đến bao nhiêu, nếu bản thân biết ghi nhớ như lời Bác Hồ từng dạy “kế hoạch 1, phương pháp 10”, trong mọi tình huống phải đề cao phương pháp thực hiện thì mọi việc sẽ thành công”, Tướng Doanh khẳng định.
Tịnh Hà