Quá trình tác nghiệp, chúng tôi nhiều lần được trò chuyện với Đại tướng Nguyễn Quyết tại nhà riêng ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các cuộc gặp mặt truyền thống, hội nghị, hội thảo. Sự mẫn tiệp, gần gũi cùng lối kể chuyện như tâm tình của ông luôn cuốn hút người nghe ngay từ lần đầu gặp mặt.
Dưới ánh sáng của Đảng
15 tuổi, người thiếu niên yêu nước Nguyễn Quyết rời quê lên Hà Nội, làm thư ký kiêm phát hành cho Báo Đuốc Tuệ - tờ báo của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ có trụ sở ở phố Quán Sứ và nhanh chóng bị lôi cuốn vào các hoạt động của phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Với những hoạt động tích cực trong công tác vận động quần chúng và trải qua quá trình thử thách, năm 1940, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng. Đến cuối tháng 8-1943, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định ông tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và công tác vận động công nhân. Cùng các đồng chí của mình, ông đã xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành, tích cực làm công tác phát triển Đảng...
Mùa hè năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy Hà Nội phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận nhiệm vụ khác.
Đồng chí Nguyễn Quyết (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) trong một lần gặp mặt đồng đội từng tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Nhớ lại thời kỳ ấy, Đại tướng Nguyễn Quyết từng chia sẻ: “Những ngày sục sôi không khí cách mạng diễn ra ở khắp nơi, chúng tôi vừa tích cực tổ chức quần chúng vừa phải tìm cách qua mắt bọn mật thám, chỉ điểm âm mưu chống phá ở khắp nơi. Đêm 17-8-1945, nhận thấy thái độ án binh bất động, cố thủ trong doanh trại của quân Nhật, tôi đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Thành ủy Hà Nội, thông qua một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng bằng lực lượng tại chỗ; không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về”.
Về quyết định trên, đồng chí Trường Chinh (nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) từng nói: "Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng... Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời".
Sau này, bản thân Đại tướng Nguyễn Quyết cũng nhiều lần tâm sự, đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. Và thực tế cách mạng đã chứng minh, Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu, là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc.
Tham gia Quân đội, thực hiện Nam tiến
Được phân công phụ trách quân sự trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Nguyễn Quyết sau này. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, hoàn thành việc xây dựng, củng cố 5 tiểu đoàn chủ lực ở Hà Nội và 2 chi đội ở các tỉnh lân cận, ông đề nghị Trung ương cho phép được vào miền Nam chiến đấu.
Từ năm 1946 đến năm 1950, trên cương vị là Chính trị viên rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng (chiến trường chính ở Liên khu 5), đồng chí cùng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với quân, dân địa phương chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Cùng với các cộng sự, ông tham gia huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ kịp thời cho mặt trận chính Tây Nguyên đến các tỉnh, vùng bị chiếm của Liên khu 5 và cả nước bạn Lào, Campuchia.
Trong nhiều lần gặp mặt truyền thống của Khu 5, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn thấy phấn khởi, tự hào đã cùng đồng đội góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của khúc ruột miền Trung gian lao mà anh dũng. Ông tâm sự: “9 năm chiến đấu ở Liên khu 5, đã củng cố những bài học cũ và cung cấp thêm cho tôi những bài học mới về công tác Đảng, công tác chính trị. Những bài học lúc đó tuy còn mới mẻ nhưng rất sâu sắc, có giá trị xuyên suốt trong cả cuộc đời binh nghiệp của tôi sau này”.
Hiệp định Geneva được ký kết, từ chiến trường Khu 5, Chính ủy Sư đoàn 305 Nguyễn Quyết theo đơn vị ra miền Bắc tập kết. Khi Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam có sự điều chỉnh biên chế tổ chức và lực lượng cho phù hợp với tình hình mới, ông được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn.
Và phong trào “làm giàu, đánh thắng”
Suốt gần 3 thập kỷ, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu chủ động tiến hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng thế trận toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt.
Trên cương vị Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Quân khu, ông rất quan tâm tới việc lãnh đạo toàn diện, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Ông đến nhiều chiến hào, trận địa còn nồng nặc mùi thuốc súng để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân đồng thời để kiểm tra các phương án lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Vốn là người sâu sát thực tế, ông luôn có mặt ở các đơn vị, địa phương có khó khăn nhất hoặc những nơi xuất hiện nhân tố mới để tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Trên cương vị của mình, ông đã góp nhiều ý kiến quan trọng với Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu, kịp thời rút kinh nghiệm từ thực tiễn để chỉ đạo các đơn vị, địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng. Những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, đồng chí Nguyễn Quyết đã để lại dấu ấn khá sâu đậm về vai trò “chủ soái” trong phong trào “làm giàu, đánh thắng”, “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” ở Quân khu 3. Phong trào thể hiện rõ sự táo bạo và đổi mới trong cách nghĩ của một cán bộ có tầm chiến lược.
Đồng đội chúc mừng Đại tướng Nguyễn Quyết dịp sinh nhật lần thứ 100.
Ý tưởng “vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” lúc mới ra đời và ngay cả khi đã phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng không chỉ trong lực lượng vũ trang mà còn được các tỉnh, thành và nhân dân trên địa bàn hưởng ứng mạnh mẽ; các quân khu khác đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, không hẳn đã được thừa nhận là đúng. Thậm chí có ý kiến cho rằng quân đội “làm giàu” thì không thể “đánh thắng”. Riêng vấn đề phát động từng người, từng nhà làm kinh tế gia đình, cũng là vấn đề gay cấn lớn. Lo ngại phát triển mạnh kinh tế gia đình sẽ phát triển kinh tế tư bản, đi chệch đường lối kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên với quyết tâm của đồng chí Nguyễn Quyết cùng tập thể lãnh đạo, Bộ tư lệnh Quân khu 3, bằng nhiều chủ trương và biện pháp sáng tạo, huy động sức mạnh tập thể, phong trào “làm giàu, đánh thắng” phát triển nhanh chóng, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực.
Các đơn vị của Quân khu 3 đã tích cực tham gia sản xuất với nhiều loại hình khác nhau phù hợp với tính chất và nhiệm vụ của từng đơn vị. Đời sống của bộ đội được cải thiện, kỷ luật Quân đội bảo đảm, huấn luyện đạt chất lượng, góp phần đập tan mọi hoạt động phá hoại trên địa bàn quân khu trong cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt hết sức thâm độc của kẻ thù. Phong trào “làm giàu, đánh thắng” của Quân khu 3 với những kết quả nổi bật đã tạo nên “hiện tượng” đối với toàn quân và cả nước thời gian đó. Những năm nền kinh tế đất nước gặp khó khăn nhất trong thập niên 1980, các đơn vị của Quân khu 3 đã khắc phục được khó khăn, cải thiện được đời sống cho bộ đội, đảm bảo khả năng chiến đấu và chiến thắng. Nhiều chủ trương, nhiều kinh nghiệm là tiền đề cho sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau này...
Đại tướng Nguyễn Quyết và người trợ lý thân thiết.
Cuộc đời hoạt động cách mạng Đại tướng Nguyễn Quyết trải qua nhiều cương vị công tác. Ông có những đóng góp quan trọng vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thế kỷ XX. Ghi nhận những cống hiến của ông, Đảng, Nhà nước ta đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 85 năm tuổi đảng...
Dù nghỉ công tác nhưng khi sức khỏe còn cho phép, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, Đại tướng Nguyễn Quyết đã từ trần vào hồi 21 giờ 9 phút ngày 23-12-2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bài viết này xin là một nén tâm nhang tưởng nhớ ông, vị tướng trọn đời cống hiến cho cách mạng và nhân dân.
TUẤN TÚ - BẢO LINH