Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Hảo - Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh, cho biết: Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức của di chúc: “Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. Căn cứ quy định tại các Điều 628 và 629 Bộ luật Dân sự thì di chúc hợp pháp bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực
5. Di chúc miệng.
Như vậy, pháp luật Việt Nam không có quy định và không công nhận đoạn ghi âm, ghi hình (dưới dạng video hay clip) là di chúc hợp pháp.
Thực tế, rất nhiều người lầm tưởng việc ghi âm hoặc quay video lời nói của người sắp mất là di chúc miệng. Tuy nhiên, di chúc miệng phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 mới được coi là di chúc hợp pháp, cụ thể: “5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.
Từ các quy định nêu trên, đoạn video mà bạn quay ghi lại lời nói của bố bạn trước khi mất không được coi là di chúc hợp pháp. Do đó, trong trường hợp này được coi là không để lại di chúc, các đồng thừa kế của bố bạn sẽ thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Trong quá trình khai nhận di sản thừa kế, nếu các đồng thừa kế tôn trọng ý chí cuối cùng của bố bạn trước khi mất, các đồng thừa kế có thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo nội dung đoạn video mà bạn quay lại.
Ban KT-PL