Theo đài RT, vụ tấn công được cho là diễn ra tại vùng biên giới Kursk của Nga.
Trong đoạn video ngắn ghi lại vụ việc, một chiếc Challenger 2 của Ukraine đang đơn độc di chuyển trên đường xuyên qua một cánh đồng. Xe tăng này không được trang bị bất kỳ hệ thống phòng thủ UAV nào khác ngoài các máy gây nhiễu điện tử trên tháp pháo, hiệu quả trong chống UAV điều khiển bằng sóng vô tuyến nhưng vô dụng trước UAV dẫn đường bằng cáp.
UAV của Nga đã lao vào phía sau tháp pháo của xe tăng, nơi chứa kho đạn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại đối với xe tăng của Ukraine trong vụ tập kích.
Các UAV dẫn đường bằng sợi cáp quang vốn miễn nhiễm trước việc gây nhiễu điện tử nhưng kém linh hoạt và cồng kềnh hơn so với các UAV điều khiển bằng sóng vô tuyến. Lần đầu tiên chúng được quân đội Nga triển khai hàng loạt trên tiền tuyến vào tháng 8 năm ngoái, trong bối cảnh nỗ lực ngăn chặn chiến dịch đột kích vùng Kursk của các lực lượng Kiev. Kể từ đó, việc sử dụng mẫu phương tiện không người lái này càng phổ biến.
Theo dữ liệu chính thức, Anh đã cung cấp tổng cộng 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine. Tuy nhiên, xe tăng hiếm khi được sử dụng và quân đội Ukraine dường như chủ yếu dùng chúng để quay phim tuyên truyền hơn là để tham chiến thực sự. Song, tình hình đã thay đổi khi Kiev mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới vào Kursk và đổ hầu hết các lực lượng dự trữ sẵn có vào đó, bao gồm cả xe tăng Challenger 2.
Các báo cáo ước tính tới một nửa số xe tăng do Anh chuyển giao cho Kiev đã bị phá hủy trong giao tranh.