Việc cắt giảm viện trợ đang đe dọa cam kết chấm dứt tử vong khi sinh

Việc cắt giảm viện trợ đang đe dọa cam kết chấm dứt tử vong khi sinh
11 giờ trướcBài gốc
Nhiều phụ nữ mang thai được vận động, tuyên truyền đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 7/4 (Ngày Sức khỏe Thế giới), các cơ quan Liên Hợp Quốc đưa cảnh báo những đợt cắt giảm viện trợ chưa từng có trên toàn cầu có thể gây ra sự thụt lùi nghiêm trọng.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc mang tên “Xu hướng tử vong ở bà mẹ” công bố ngày hôm nay cho thấy tỷ lệ tử vong bà mẹ trên toàn cầu đã giảm 40% từ năm 2000 đến 2023, chủ yếu nhờ vào việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng tốc độ cải thiện đã chậm lại đáng kể kể từ năm 2016. Ước tính có 260.000 phụ nữ đã tử vong trong năm 2023 do các biến chứng từ thai kỳ hoặc sinh đẻ,·tương đương với một ca tử vong bà mẹ mỗi hai phút.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh các khoản cắt giảm viện trợ nhân đạo đang tác động nghiêm trọng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu ở nhiều khu vực trên thế giới, buộc các quốc gia phải cắt giảm các dịch vụ quan trọng cho sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em. Những cắt giảm này đã dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở y tế, cắt giảm nhân viên y tế, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng các vật tư và thuốc men cứu sống, như điều trị băng huyết, tiền sản giật và sốt rét - tất cả đó đều là nguyên nhân chính gây ra tử vong mẹ.
Nếu không có những hành động khẩn cấp, các cơ quan cảnh báo rằng phụ nữ mang thai ở nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhân đạo - nơi tỷ lệ tử vong bà mẹ vốn đã ở mức cao.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Báo cáo với các dữ liệu cho thấy quá trình mang thai vẫn là một quá trình rất nguy hiểm ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả khi đã có những giải pháp ngăn ngừa và điều trị các biến chứng gây ra phần lớn tử vong ở bà mẹ. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo tiếp cận chăm sóc thai sản chất lượng, việc củng cố quyền sức khỏe và sinh sản cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái là vô cùng quan trọng. Những quyền này mang tính quyết định đối với sức khỏe của họ trong suốt thai kỳ và sau sinh.
Đây là bản báo cáo đầu tiên đưa ra những nhận định về tác động của đại dịch COVID-19 đối với sự sống còn của bà mẹ. Năm 2021, ước tính có thêm 40.000 phụ nữ tử vong do mang thai hoặc sinh đẻ (tăng từ 282.000 lên 322.000 so với năm trước đó). Sự gia tăng này không chỉ liên quan đến các biến chứng trực tiếp do COVID-19 mà còn do sự gián đoạn của các dịch vụ thai sản. Như vậy, việc bảo đảm các dịch vụ chăm sóc này trong đại dịch và các tình huống khẩn cấp khác là rất quan trọng. Đồng thời, cần đảm bảo rằng phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ kiểm tra định kỳ và chăm sóc cấp cứu đáng tin cậy.
Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành UNICEF cho biết khi người mẹ qua đời trong thai kỳ hoặc khi sinh đẻ, tính mạng của đứa trẻ cũng bị đe dọa. Việc tử vong cả mẹ và con vì những nguyên nhân có thể ngăn chặn được vẫn xảy ra quá thường xuyên. Việc cắt giảm viện trợ toàn cầu cho các dịch vụ y tế sẽ khiến phụ nữ mang thai bị hạn chế quyền tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc thiết yếu và hỗ trợ khi sinh nở. Điều này đem lại nhiều rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những phụ nữ mang thai ở các khu vực dễ bị tổn thương. Tất cả các quốc gia cần tăng cường đầu tư khẩn cấp vào các nữ hộ sinh, y tá và nhân viên y tế cộng đồng để đảm bảo mỗi bà mẹ và đứa trẻ đều có cơ hội sống sót và phát triển.
Báo cáo nhấn mạnh những bất bình đẳng kéo dài giữa các khu vực và các quốc gia, cũng như sự tiến bộ không đồng đều. Khu vực Tiểu Sahara ở Châu Phi đã đạt được những tiến bộ đáng kể, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm khoảng 40% từ năm 2000 đến 2023. Đây là một trong ba khu vực của Liên Hợp Quốc (hai khu vực còn lại là Australia và New Zealand, Trung và Nam Á) có mức giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao từ sau năm 2015. Tuy nhiên, vì lý do nghèo đói và xung đột, khu vực Tiểu Sahara ở Châu Phi vẫn chiếm tới 70% số ca tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu trong năm 2023.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng kể từ sau năm 2015, tiến bộ đã chậm lại ở năm khu vực: Bắc Phi và Tây Á, Đông và Đông Nam Á, Châu Đại Dương (ngoại trừ Australia và New Zealand), Châu Âu và Bắc Mỹ, và Mỹ Latinh và Caribe.
Tiến sĩ Natalia Kanem - Giám đốc Điều hành UNFPA nhấn mạnh: “Được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai sản chất lượng là quyền chứ không phải đặc quyền. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm khẩn cấp trong việc xây dựng các hệ thống y tế có đủ nguồn lực để bảo vệ mạng sống của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Bằng cách củng cố chuỗi cung ứng, đội ngũ nữ hộ sinh, và dữ liệu phân tách cần thiết để xác định những đối tượng có nguy cơ cao nhất, chúng ta có thể và phải chấm dứt thảm kịch tử vong ở bà mẹ có thể phòng ngừa được, cũng như những hậu quả mà nó gây ra cho gia đình và xã hội.”
Theo bản báo cáo, phụ nữ mang thai ở các khu vực chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nhân đạo đang đối mặt với nguy cơ cao nhất trên thế giới. Gần 2/3 các ca tử vong bà mẹ trên toàn cầu là xảy ra ở những quốc gia dễ tổn thương hoặc chịu xung đột. Rủi ro đối với phụ nữ ở những khu vực này là rất lớn, bởi trong số 51 trẻ em gái 15 tuổi thì có 1 em có nguy cơ tử vong do mang thai hoặc sinh đẻ; trong khi đó, tại các quốc gia ổn định hơn, tỷ lệ này là 1/593. Các quốc gia có rủi ro cao nhất là Chad và Cộng hòa Trung Phi (1/24), tiếp theo là Nigeria (1/25), Somalia (1/30) và Afghanistan (1/40).
Ngoài việc đảm bảo các dịch vụ thiết yếu trong suốt thai kỳ, khi sinh và trong giai đoạn hậu sản, báo cáo còn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực nâng cao sức khỏe tổng thể của phụ nữ, thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và ngăn ngừa các bệnh lý cơ bản như thiếu máu, sốt rét và các bệnh không lây nhiễm làm tăng nguy cơ. Tiếp đó là việc đảm bảo trẻ em gái được tiếp tục học tập và phụ nữ, trẻ em gái có đủ kiến thức và nguồn lực để bảo vệ sức khỏe của mình cũng là yếu tố quan trọng.
Để chấm dứt tử vong ở bà mẹ, Liên Hợp Quốc cho rằng các nước cần tăng cường đầu tư khẩn cấp. Cho tới thời điểm này, thế giới đang đi chệch hướng khỏi lộ trình đạt được mục tiêu của Liên Hợp Quốc về sự sống còn của bà mẹ. Để đạt được mục tiêu này vào năm 2030, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trên toàn cầu phải giảm khoảng 15% mỗi năm, trong khi hiện nay mức giảm chỉ đạt 1.5% mỗi năm./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/viec-cat-giam-vien-tro-dang-de-doa-cam-ket-cham-dut-tu-vong-khi-sinh-post1025275.vnp