Chiều 4/5, Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại đây, báo chí đặt vấn đề, theo kết luận mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về việc khi sáp nhập tỉnh sẽ không bầu chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc chỉ định nhân sự sẽ mang ý chí cá nhân, không đảm bảo yếu tố công tâm, khách quan trong chọn lựa nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh. Vậy, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ sẽ giám sát việc này như thế nào để việc chỉ định nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh đảm bảo công tâm, khách quan, chọn đúng người, đúng việc?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy.
Thông tin với báo chí về thông tin trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho biết, tới đây sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm đối với người giữ chức vụ lãnh đạo UBND, HĐND tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Nhưng việc này chỉ thực hiện trong năm 2025 ứng với lần thực hiện sắp xếp quy mô lớn này, còn những năm sau sẽ thực hiện bầu bình thường như thông lệ, HĐND sẽ bầu các chức danh của HĐND và UBND.
Theo bà Thủy, tại Kết luận 150 của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong UBND, HĐND ở các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc HĐND bầu theo cách thông thường; cũng như việc chỉ định nhân sự không phải đại biểu HĐND làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã.
"Đây là cơ chế trước đây chưa thực hiện nhưng lần sắp xếp này có đặc điểm khác biệt so với việc sắp xếp đơn vị hành chính trước đây", bà Thủy nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ, trước đây có 2 đợt sắp xếp lớn là 2019-2021 và 2023-2025. Lần sắp xếp này ngoài việc nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, ta còn thực hiện chủ trương lớn của Đảng là không tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện nên các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời điểm nhập tỉnh, nhập xã.
Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, bà Thủy cho biết, dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung 8/120 điều.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày mai (5/5), dự kiến bế mạc chiều ngày 30/6/2025, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Thiên Tuấn