Việc Facebook ngừng kiểm duyệt nội dung sẽ có tác hại như thế nào?

Việc Facebook ngừng kiểm duyệt nội dung sẽ có tác hại như thế nào?
4 giờ trướcBài gốc
Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Meta, đã chia sẻ trong một video rằng công ty sẽ từ bỏ hệ thống kiểm tra thông tin của bên thứ ba và chuyển sang mô hình ghi chú cộng đồng, tương tự như cách mà nền tảng X (trước đây là Twitter) đang áp dụng.
Zuckerberg giải thích rằng việc kiểm tra này là "thiên vị" khi nội dung được lựa chọn để kiểm duyệt, đồng thời nói thêm rằng ông muốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên mọi nền tảng. "Đã đến lúc quay trở lại với nguồn gốc của chúng ta xung quanh quyền tự do ngôn luận", ông viết trong bài đăng kèm video dài 5 phút.
Chính sách mới sẽ bao gồm một hệ thống ghi chú cộng đồng, nơi người dùng có thể góp ý, đánh giá và làm rõ thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm. Thay vì chỉ dựa vào tổ chức kiểm tra thông tin bên ngoài, cộng đồng người dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính chính xác của thông tin trên nền tảng.
Meta dự kiến sẽ triển khai tính năng này trong vài tháng tới, áp dụng cho Facebook, Instagram và Threads, các nền tảng đã thu hút hơn 3 tỷ người dùng toàn cầu.
Ảnh minh họa: Unsplash
Động thái này cũng gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là khi Meta có kế hoạch chuyển các nhóm kiểm duyệt nội dung từ California sang Texas.
Một số chuyên gia cho rằng đây là quyết định mang động cơ chính trị, khi Texas có chính sách bảo vệ quyền tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn và có quan điểm khác biệt về việc kiểm duyệt nội dung so với California.
Nhiều người cho rằng sự thay đổi này có thể tạo điều kiện cho các bài đăng mang tính chất chính trị cực đoan và gây hiểu lầm.
Ngoài ra, một số tổ chức kiểm tra thông tin như PolitiFact và AFP Fact Check đã chỉ trích Meta, cho rằng việc từ bỏ kiểm tra sự thật không có lợi cho người dùng và có thể làm gia tăng thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Họ cũng cảnh báo rằng việc dựa vào cộng đồng để đánh giá tính chính xác của thông tin có thể dẫn đến sự thiếu kiểm soát và tạo ra các cuộc tấn công có chủ đích nhằm thao túng dư luận.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Illinois chỉ ra rằng tính năng ghi chú cộng đồng của X đã có hiệu quả trong việc giảm sự lan truyền của thông tin sai lệch. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác cho thấy ghi chú cộng đồng có thể can thiệp vào các bài đăng lan truyền thông tin sai lệch, và thậm chí có những bài đăng không bao giờ đạt được trạng thái "hữu ích" trong hệ thống. Điều này khiến cho những bài viết sai lệch vẫn có thể tiếp tục lan truyền mà không bị chỉnh sửa kịp thời.
Trong khi một số người ca ngợi quyết định của Meta, cho rằng đây là bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và chống lại sự kiểm duyệt của phương tiện truyền thông truyền thống, thì nhóm khác lại lo ngại rằng sự thay đổi sẽ dẫn đến việc gia tăng các bài đăng có nội dung gây hại hoặc sai lệch.
Những người ủng hộ sự thay đổi cho rằng Meta đang mở ra một kỷ nguyên mới, nơi người dùng sẽ tự quyết định về thông tin mà họ tiếp nhận, thay vì phụ thuộc vào các tổ chức bên ngoài.
Tính năng ghi chú cộng đồng của Meta sẽ được triển khai trước tại Mỹ, sau đó được áp dụng ở các khu vực khác như châu Âu, Trung Quốc và Mỹ Latinh. Tuy nhiên các quốc gia này có luật kiểm duyệt nghiêm ngặt, khiến việc triển khai tính năng có thể gặp khó khăn.
Động thái này có thể tạo ra làn sóng thay đổi trong cách thức kiểm duyệt thông tin trên các mạng xã hội, đồng thời mở ra cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc đảm bảo thông tin chính xác trên mạng.
Hoài Phương (theo Meta, AJ, Bloomberg)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/viec-facebook-ngung-kiem-duyet-noi-dung-se-co-tac-hai-nhu-the-nao-post329970.html