Việc giải thích khái niệm đô thị, nông thôn như dự thảo luật sẽ gây ra vướng mắc

Việc giải thích khái niệm đô thị, nông thôn như dự thảo luật sẽ gây ra vướng mắc
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 25/10 (ảnh: VPQH cung cấp).
Bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện gồm 6 chương và 65 điều; bỏ 2 điều và bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo (ảnh: VPQH cung cấp).
Về mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống Quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính chất cụ thể hóa, chi tiết hóa dần.
Mối quan hệ giữa quy hoạch thuộc hệ thống Quy hoạch đô thị và nông thôn với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được quy định cụ thể tại Luật Quy hoạch năm 2017; theo đó, khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã đề xuất sửa Luật Quy hoạch năm 2017 theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch, trong đó quy định rõ Quy hoạch đô thị và nông thôn là “quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành” thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về mối quan hệ giữa các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, đây là nội dung cần xem xét hết sức kỹ lưỡng, cẩn trọng, cần tiếp tục làm rõ sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh khi xem xét chủ trương đầu tư, tránh gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về nguyên tắc lập đồng thời các quy hoạch chung; quy định bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, trên cơ sở ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc cho phép lập đồng thời các quy hoạch chung.
Trường hợp quy hoạch chung khác cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung có cấp thẩm quyền phê duyệt cao hơn được phê duyệt trước; trường hợp quy hoạch chung có cùng cấp thẩm quyền phê duyệt thì quy hoạch chung được lập, thẩm định xong trước được phê duyệt trước.
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).
Về cơ chế giải quyết vướng mắc này, căn cứ ý kiến của Chính phủ, dự thảo Luật đã chỉnh sửa quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tách thành Điều 8 với nội dung cụ thể như sau: Trường hợp có mâu thuẫn giữa các Quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện, thay vì thực hiện quy trình rà soát, điều chỉnh.
Trường hợp mâu thuẫn giữa các Quy hoạch đô thị và nông thôn khác cấp độ thì các cơ quan tổ chức lập quy hoạch thực hiện rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Chương III của Luật này.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp độ thì các nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định thực hiện phải được cập nhật và thể hiện trong hồ sơ quy hoạch. Trình tự, thủ tục báo cáo, quyết định quy hoạch được thực hiện trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc trong hoạt động Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Yêu cầu làm rõ thêm một số khái niệm
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) tỏ ra băn khoăn về khái niệm đô thị, nông thôn. Đại biểu cho rằng, việc giải thích khái niệm như Dự thảo hiện nay sẽ gây ra vướng mắc. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Điều 2 giải thích từ ngữ nội dung khái niệm thế nào là “khu vực nội thành, nội thị”.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần nhận thức rõ vai trò của nội thành, nội thị. Đây không đơn thuần là khu vực nằm bên trong ranh giới của đô thị mà cần được định nghĩa là khu vực trung tâm, lõi của đô thị, có sự tập trung cao về dân cư, dịch vụ, hoạt động kinh tế và hạ tầng đô thị, là không gian có tính liên kết cao.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).
“Việc xác định khu vực nội thành, nội thị có tính liên kết cao sẽ giúp cho việc quy hoạch được thực hiện một cách toàn diện, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, có sự liên thông đồng bộ, kết nối cao, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tăng cường diện tích cho người dân đô thị; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển kinh tế của kinh tế đô thị, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nhiều tác động tích cực khác”, đại biểu Phương Thủy nêu quan điểm.
Minh Khôi
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/viec-giai-thich-khai-niem-do-thi-nong-thon-nhu-du-thao-luat-se-gay-ra-vuong-mac-167013.html