Việc làm thêm của lao động nông thôn những ngày giáp Tết

Việc làm thêm của lao động nông thôn những ngày giáp Tết
7 giờ trướcBài gốc
Ông Phạm Văn Thạnh, thôn Đoài, xã Khả Phong, thị xã Kim Bảng năm nay ngoài 50 tuổi, làm thợ quét sơn tường thời vụ. Vào dịp gần Tết, ông Thạnh làm không hết việc. Nhóm thợ của ông chỉ có vài người, nhưng đi khắp các nơi để làm. Tiền công mỗi ngày kiếm được ngót 400.000 đồng/người. Ông Thạnh kể: 2 năm nay, do đất nông nghiệp bị thu hồi làm dự án nên vợ chồng tôi không làm nông nghiệp nữa mà chuyển làm các công việc thời vụ, tự do. Với chúng tôi, những công việc thời vụ chỉ vất vả lúc giáp Tết khi nhu cầu sửa chữa, làm mới nhà cửa của nhân dân tăng. Nếu chăm chỉ làm đủ các ngày trong tháng, mỗi tháng cũng có được ngót chục triệu đồng/người... Công việc của ông Thạnh đòi hỏi có sức khỏe, di chuyển liên tục nên vợ ông không thể theo chồng làm sơn tường. Bà cũng như nhiều phụ nữ trong thôn Đoài hay các thôn khác của Khả Phong xin việc làm ở các cơ sở may mặc, sản xuất các hàng thủ công, làm một số công việc đơn giản như: đóng gói hàng, nhặt chỉ khâu trên sản phẩm… Mỗi ngày, tiền công được trả từ 200.000 đến 250.000 đồng/người.
Theo chia sẻ của anh Đặng Văn Tảo, một lao động trong nhóm thợ của ông Phạm Văn Thạnh, bây giờ, ngoài làm nông nghiệp, nông dân có rất nhiều sự lựa chọn về việc làm thời vụ. Người lao động có sức khỏe và sự chăm chỉ sẽ dễ dàng có được thu nhập tương đối ổn định.
Ông Phạm Văn Thạnh và anh Đặng Văn Tảo (xã Khả Phong, thị xã Kim Bảng) thời gian giáp Tết khá bận rộn với dịch vụ quét sơn tường.
Để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, chuẩn bị cho Tết, nhiều doanh nghiệp phải tăng ca cho công nhân. Tuy nhiên, thuê lao động thời vụ làm việc theo giờ, theo ngày với mức tiền công rẻ hơn là lựa chọn của nhiều ông chủ. Lao động nông thôn thời gian này cũng cần có việc làm, thu nhập thêm để lo trang trải và chi tiêu Tết nên không ngần ngại tìm đến những cơ sở sản xuất gần nhà để làm việc. Bà Trần Thị Thu, xã Công Lý, huyện Lý Nhân cho biết: Tôi đã gần 60 tuổi, bây giờ đi xin việc chính thức ở bất kỳ công ty nào cũng khó lắm. Vì thế, tôi chỉ quanh quẩn làm việc gần nhà với những công việc đơn giản, phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Từ năm ngoái đến nay, tôi vào làm ở công ty may với công việc chính là nhặt chỉ trên các sản phẩm may mặc, mỗi tháng được 3 triệu đồng. Với nông dân chúng tôi, thêm được đồng nào hay đồng đó, nhất là khi Tết đã cận kề phải chi tiêu nhiều...
Không chọn làm việc ở các doanh nghiệp, nhiều người đã chọn vào làm thêm ở các cơ sở sản xuất của làng nghề truyền thống. Ông Trần Xuân Thực, chủ một cơ sở cá kho Nhân Hậu, thời điểm bắt đầu vào vụ kho cá phục vụ Tết đã phải tuyển gần chục nhân viên. Thời gian làm việc chỉ khoảng hơn 1 tháng, nhưng công việc của các lao động khá vất vả vì phải thức đêm trông bếp kho cá, ra vào khu vực chế biến nhiều khói bụi nên cơ bản chỉ phù hợp với phụ nữ. Ông Thực cho biết: Mỗi người làm việc chăm chỉ, đủ giờ, đủ công, thời gian làm thêm một tháng giáp Tết tại đây cũng có thu nhập trên dưới chục triệu đồng. Tuy nhiên, địa phương còn có nghề dệt may truyền thống nên tuyển người làm thời vụ vào thời gian giáp Tết không phải đơn giản. Cả xã Hòa Hậu dịp này có hàng trăm nhà kho cá, nhu cầu tuyển người làm rất cao. Không tuyển được thì phải huy động anh em họ hàng, rồi trả tiền công theo giá thị trường...
Ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, địa phương có nghề trồng lá dong, nhiều nông dân thời gian này đi thu hoạch lá dong thuê với mức thu nhập tương đối cao nhưng việc làm không lâu dài.
Với những nơi không có làng nghề truyền thống, một bộ phận nông dân tự tìm việc làm thêm thời gian giáp Tết bằng cách lên thành phố, thị trấn dọn nhà thuê. Mỗi ngày, tiền công dọn nhà được trả từ 400.000- 500.000 đồng/người. Chị Nguyễn Thị Hóa, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, chia sẻ: Tôi làm nghề này nhiều năm rồi nên cũng có lượng khách quen. Cứ đến dịp Tết, các gia đình lại gọi đặt lịch đến dọn nhà, dọn cửa. Nhiều chủ rất kén chọn, khó tính, nếu mình làm không tỉ mỉ, không cẩn thận, họ không vừa ý sẽ không thuê nữa. Kiếm được ngần ấy tiền trong một ngày với nghề dọn dẹp nhà không hề đơn giản đâu…
Theo Cục Thống kê tỉnh, toàn tỉnh hiện có 460.878 người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên; trong đó, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm tới 57,13% trong tổng số lực lượng lao động. Người lao động phi chính thức ở nông thôn cao hơn ở thành thị, chiếm 62%. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt trên 5,6 triệu đồng/người/tháng. Dù vậy, với những công việc thiếu ổn định, không được bảo đảm các điều kiện về an toàn lao động và các chế độ chính sách cơ bản như lao động khu vực chính thức, người lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn luôn phải đối diện với những khó khăn về kinh tế, các điều kiện cơ bản của cuộc sống. Tết là dịp người lao động có nhiều lựa chọn việc làm, nhưng không kéo dài, không ổn định nên mức thu nhập chỉ phần nào đáp ứng nhu cầu cuộc sống trong một thời điểm ngắn.
Chu Uyên
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/xa-hoi/lao-dong-viec-lam/viec-lam-them-cua-lao-dong-nong-thon-nhung-ngay-giap-tet-142938.html