Việc nâng cấp smartphone mỗi năm gây hại cho môi trường như thế nào?

Việc nâng cấp smartphone mỗi năm gây hại cho môi trường như thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Thói quen tiêu dùng có thể làm tăng gánh nặng môi trường
Nhiều người nâng cấp smartphone hàng năm vì thích trải nghiệm mới, vì áp lực xã hội hoặc đơn giản là do thói quen. Tuy nhiên, không giống như việc đổi quần áo hay giày dép, mỗi chiếc điện thoại mới bạn mua sẽ để lại một “dấu chân carbon” khổng lồ.
Khi bạn sạc điện thoại, lái xe, đi máy bay, hoặc mua sắm sản phẩm mới như điện thoại, máy tính, quần áo... thì năng lượng cần thiết để làm ra, vận hành và vận chuyển các thứ đó thường đến từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt). Việc đốt các loại nhiên liệu này sẽ sinh ra khí nhà kính.
Dấu chân carbon (carbon footprint) chính là tổng lượng khí nhà kính mà các hoạt động đó tạo ra, tính bằng tấn CO₂ tương đương (CO₂e).
Theo Quantum Lifecycle Partners, lượng khí thải nhà kính từ thiết bị điện tử và rác thải điện tử đã tăng 53% chỉ trong giai đoạn 2014 - 2020. Đến năm 2030, ước tính sẽ có 852 tấn hợp chất CO₂ được thải ra từ rác thải điện tử.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản xuất điện thoại mới và vứt bỏ thiết bị cũ. Quá trình này tiêu tốn lượng lớn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và tạo ra khí thải nhà kính. Một nghiên cứu chỉ ra rằng riêng công đoạn sản xuất đã chiếm tới 85% tổng lượng khí thải carbon từ một chiếc smartphone.
Việc nâng cấp smartphone mới mỗi năm tạo ra rất nhiều khí thải carbon. Ảnh: Android Police
Hiệu ứng nhà kính và mối liên hệ với smartphone
Hiệu ứng nhà kính vốn là hiện tượng tự nhiên giúp giữ lại nhiệt độ ấm áp cho Trái đất. Tuy nhiên, khi lượng khí nhà kính (carbon dioxide, methane, nitrous oxide, khí flo) bị đẩy lên quá mức, phần lớn từ hoạt động công nghiệp và đốt nhiên liệu hóa thạch, lớp khí này dày lên một cách bất thường, khiến Trái đất ấm lên nhanh chóng. Hệ quả là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai và thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn.
Việc vứt bỏ thiết bị cũ càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Rác thải điện tử không chỉ tạo ra khí methane khi bị chôn lấp mà còn chứa kim loại nặng và hóa chất độc hại, gây ô nhiễm đất, nước và không khí nếu bị đốt hoặc phân hủy không kiểm soát.
Sản xuất một chiếc điện thoại không chỉ dừng lại ở việc lắp ráp linh kiện. Từ khai thác nguyên liệu, chế biến, đóng gói, vận chuyển... tất cả đều tiêu tốn năng lượng, tạo ra khí thải. Màn hình LCD, pin sạc, bảng mạch… đều cần tới tài nguyên quý hiếm và quy trình sản xuất phức tạp.
Ngay cả bao bì cũng tiêu tốn giấy, nhựa, nhôm, tất cả đều cần đến năng lượng hoặc dầu mỏ để khai thác và xử lý.
May mắn là một số công ty công nghệ đang từng bước thay đổi. Apple cho biết iPhone 16 sử dụng 50% nhựa tái chế trong 20 thành phần khác nhau. Nhiều hãng cũng chuyển sang dùng năng lượng tái tạo trong dây chuyền sản xuất.
Nhiều công ty sản xuất smartphone đang chuyển sang sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường. Ảnh: TIỂU MINH
Vậy chúng ta nên làm gì?
Câu trả lời đơn giản là hạn chế nâng cấp smartphone hàng năm, trừ khi thiết bị của bạn đã thực sự hư hỏng hoặc không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng cơ bản.
Trong trường hợp cần thay điện thoại, bạn hãy tặng lại thiết bị cũ cho người cần, hoặc quyên góp qua các chương trình thu gom. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tham gia các chương trình thu cũ đổi mới tại các hệ thống bán lẻ, nhà mạng…
Tiểu Minh
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/viec-nang-cap-smartphone-moi-nam-gay-hai-cho-moi-truong-nhu-the-nao-post845539.html