Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: Việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân. Ảnh: quochoi.vn
Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp trong 30 ngày
Sau phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cuối buổi sáng 05/5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về: Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp đặc biệt quan trọng, được tổ chức sớm hơn 2 tuần so với thường lệ để có đủ thời gian, điều kiện thảo luận, xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nếu có thể, sau này chúng ta sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, nhưng phải đến kỳ đại hội sau mới xem xét. Khi đó, chúng ta sẽ xem xét bổ sung Cương lĩnh phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn hơn, nhất là sau khi tổng kết 40 năm đổi mới và định hình phương hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới như thế nào.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Đánh giá cao các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng 8 nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trình tại Kỳ họp lần này, Tổng Bí Thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu: "Việc sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, trong đó có việc lấy ý kiến nhân dân".
Tổng Bí thư mong muốn các ĐBQH lắng nghe ý kiến nhân dân trong xây dựng pháp luật, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu thảo luận tại tổ 13 (gồm: Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận rất kỹ, để phục vụ cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng. Liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp lần này, khi được Quốc hội thông qua, sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp này, Hiến pháp được thông qua ngày 30/6/2025, sẽ có hiệu lực ngay. Ảnh: quochoi.vn
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp này, Hiến pháp được thông qua (dự kiến trước ngày 30/6/2025) sẽ có hiệu lực ngay. “Bắt đầu từ ngày 06/5/2025, Quốc hội giao cho Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, thời gian lấy ý kiến trong 30 ngày, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp lại và báo cáo Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội thống nhất cao với chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng, đòi hỏi Hiến pháp 2013 cần được điều chỉnh tương ứng. Đại biểu ủng hộ việc tập trung sửa đổi vào hai nhóm nội dung như đã nêu trong tờ trình: (1) các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; (2) các quy định nhằm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Các đại biểu cũng đồng tình với đề xuất thành lập Ủy ban Dự thảo và cho rằng Quốc hội sẽ góp ý cụ thể khi có dự thảo các điều khoản sửa đổi.
Các đại biểu khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nhấn mạnh một số mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nêu rõ: Thứ nhất, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Thứ hai, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng bày tỏ đồng tình, việc sửa đổi khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 là phù hợp, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới.
Khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình- thảo luận tại tổ. Ảnh: quochoi.vn
Góp ý về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình - đồng tình cao với 2 Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, 2 Dự thảo Nghị quyết này đã đáp ứng yêu cầu và hoàn toàn phù hợp, xuất phát từ mục đích, yêu cầu trong bối cảnh hiện nay. Đại biểu cho rằng, cần lấy ý kiến nhân dân trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 một cách kịp thời, đảm bảo dân chủ, khách quan theo quy định. Ngoài ra, đại biểu Đặng Bích Ngọc đồng tình với việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Cũng tại phiên thảo luận, các ý kiến thống nhất với việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với tiến độ hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng./.
LÊ HÒA