Thời gian qua, công tác theo dõi thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng còn những vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả công tác trong lĩnh vực này.
Còn khó khăn, vướng mắc
Năm 2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quyết định bổ sung lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành gồm: Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; việc thi hành Luật Xuất bản. Công tác theo dõi thi hành pháp luật luôn được tỉnh quan tâm triển khai, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và gắn kết chặt chẽ với xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham gia buổi tọa đàm do Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức mới đây, việc theo dõi thi hành pháp luật còn một số khó khăn.
Công chức Sở Tư pháp cung cấp mã QR để khảo sát trực tuyến về tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) cho biết, nhân lực làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm quá mỏng nên bị động trong kiểm tra, hậu kiểm, phòng ngừa, khắc phục sự cố. Bên cạnh đó, chưa có quy định hướng dẫn lấy mẫu kiểm nghiệm dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính bằng cách khấu trừ tiền từ tài khoản còn chung chung; các quy định về ATTP thay đổi liên tục. Về lĩnh vực này, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) chia sẻ, theo quy định, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và chưa có cơ chế phải công bố lại. Vì vậy, có sản phẩm thực tế đã dừng cung cấp, nhưng hồ sơ công bố vẫn còn trên hệ thống. Khi thanh kiểm tra, có doanh nghiệp có 20 - 30 hồ sơ sản phẩm, thực tế đang cung cấp 1 sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thành - Trưởng phòng Nghiệp vụ - dự toán - pháp chế (Cục Thuế tỉnh), quy định về quản lý thuế đang thực hiện theo cơ chế tự khai, tự nộp. Người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu cung cấp hóa đơn khi mua hàng và cung cấp dịch vụ. Ngành Thuế cũng chưa có ứng dụng, công cụ hỗ trợ để chủ động rà soát, phát hiện, xác định người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên mạng. Mô hình quản lý, thu thuế truyền thống chưa phù hợp với kinh doanh thương mại điện tử…
Năm 2024, đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh kiểm tra 5 cơ quan, địa phương. Từ năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành 4 cuộc thanh tra về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đối với 20 đối tượng; triển khai 75 đoàn kiểm tra, giám sát 760 cơ sở về chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, qua đó xử phạt hành chính một số cơ sở, 1 vụ ngộ độc thực phẩm đang được các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý. Riêng ngành Thuế tổ chức 5 hội nghị đối thoại với người nộp thuế với khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia, rà soát, xác định được doanh thu đối với 266 hộ, cá nhân đang quản lý có kinh doanh thương mại điện tử, thanh tra, kiểm tra 21 doanh nghiệp, 12 hộ, cá nhân, truy thu thuế hơn 29,2 tỷ đồng…
Một số đề xuất, kiến nghị
Theo ông Nguyễn Quang Duy - Tổng Giám đốc DT Group, cùng với các giải pháp từ doanh nghiệp, Nhà nước cần hướng dẫn cụ thể về kiểm soát vệ sinh trong cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất; phát triển, hoàn thiện công nghệ giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng thực phẩm… Một số ý kiến đề nghị sớm có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm, kim loại nặng, vi sinh vật trong các nhóm sản phẩm nông nghiệp; sớm có các hướng dẫn cụ thể về lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP; sửa đổi, bổ sung quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nhà nước trong thương mại điện tử; bổ sung quy định chủ thể đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử phải khai thông tin căn cước công dân, phải ủy quyền cho các sàn khai thuế thay, nộp thuế thay; bổ sung phương pháp tính thuế phù hợp hơn với hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử…
Bà Lý Thị Hoài Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho rằng, để khắc phục các vướng mắc trong ngành Thuế, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thương mại điện tử; tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu, định danh được các cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; chuẩn hóa mã số thuế cá nhân…
Các đề xuất, kiến nghị trên là căn cứ để các bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật trong thời gian tới.
NGUYỄN VŨ