Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp rất hợp lòng dân

Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp rất hợp lòng dân
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 5/7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp” sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Nguyễn Văn Gấu thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chúc mừng Đoàn ĐBQH.
Dự hội nghị, về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng ban Chính sách và Chiến lược Trung ương; các đồng chí thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.
Về phía tỉnh Bắc Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành, cử tri các sở, ngành, phường, xã tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (cũ).
Tại hội nghị, Ban Tổ chức đã công bố Nghị quyết của UBTV Quốc hội về Đoàn ĐBQH và chỉ định trưởng đoàn ĐBQH. Theo đó, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh có 16 đại biểu, do đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Các đại biểu dự hội nghị.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, báo cáo tại Hội nghị về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và hoạt động của ĐBQH Bắc Ninh tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, sau 35 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, trên cơ sở chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng và sắp xếp, điều chỉnh chương trình khoa học, linh hoạt, hiệu quả, kỳ họp đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; thông qua 34 luật, 34 nghị quyết (trong đó có 13 nghị quyết quy phạm pháp luật) và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị có 14 ý kiến cử tri phát biểu đều bày tỏ ủng hộ chính quyền địa phương 2 cấp, tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Các cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của từng vị trí công tác trong chính quyền mới, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót; đề nghị đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã theo nhu cầu thực tiễn, tập trung vào lĩnh vực quản lý hành chính, cổng dịch vụ công…gắn với tình huống thực tế; có các hướng dẫn về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đề nghị đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đường truyền tốt hơn để phục vụ nhân dân; xây dựng hệ thống giám sát tránh lạm quyền, có hướng dẫn, cơ chế đánh giá đối với từng vị trí công tác; ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại cho cán bộ công chức trong diện sắp xếp tạo điều kiện cho cán bộ công chức được mua nhà ở xã hội tại nơi làm việc mới; đề nghị phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tránh công việc bị dồn ứ, ảnh hưởng đến thời gian chờ đợi, đi lại của người dân…
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tiếp thu, trả lời ý kiến của cử tri cho biết, 6 tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh (mới) tăng trưởng kinh tế 10,47% đứng thứ 5 toàn quốc, tỉnh Bắc Giang (cũ) tăng trưởng đứng đầu toàn quốc, là 1 trong những kỳ 6 tháng đầu năm tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh sẽ sớm điều chỉnh quy hoạch sân bay Gia Bình phục vụ triển khai dự án và đường kết nối về Hà Nội, Bắc Giang (cũ), điều chỉnh các quy hoạch theo thẩm quyền đảm bảo phát triển bền vững, tạo không gian kết nối phát triển giữa khu vực thành thị và miền núi. Đặc biệt, sẽ tập trung: phát triển công nghiệp công nghệ cao; hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; triển khai các dự án đô thị thương mại; khởi công các dự án lớn tạo động lực phát triển…
Một số cử tri nêu ý kiến.
Về các đề xuất, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, về cơ sở vật chất, tỉnh cũng đã tính toán các phương án giải quyết bất cập nhưng chưa đáp ứng được ngay, về quan điểm là phải sắp xếp khoa học nhất, ưu tiên cơ sở vật chất cho Trung tâm hành chính công; sẽ khắc phục ngay bất cập về đường truyền, phần mềm, tỉnh Bắc Ninh đi trước để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới hành chính.
Về đào tạo cán bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, bản thân từng cán bộ công chức phải cập nhật kiến thức, tự đáp ứng yêu cầu theo vị trí việc làm. Tỉnh cũng sẽ có tập huấn cho cán bộ, công chức từng lĩnh vực.
Về sắp xếp cơ sở vật chất dôi dư, tỉnh đã giao cho đơn vị chức năng tổng hợp cơ sở vật chất dôi dư, sẽ cố gắng tận dụng tối đa cơ sở vật chất bố trí cho giáo dục, y tế. Về chính sách an sinh xã hội, tỉnh đã tính nhiều phương án bố trí, dự kiến 8 Nghị quyết về chính sách an sinh xã hội, đối với các chính sách của tỉnh Bắc Ninh (cũ) thì tiếp tục thực hiện, tỉnh Bắc Giang (cũ) sẽ có thêm 7 chính sách, trong đó, quan tâm đến đối tượng đặc thù như hỗ trợ cho học sinh, nâng mức cao hơn đối với an táng phí, hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu thêm về một số vấn đề cử tri quan tâm, nêu rõ kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV – Kỳ họp lịch sử mở ra thời kỳ phát triển mới, quyết định tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân phục vụ dân tốt hơn; đánh giá cao chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã lãnh đạo thực hiện tốt phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh với các cử tri.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chủ trương và quyết định của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh mới sau sáp nhập có quy mô kinh tế và không gian, dư địa phát triển rất lớn, nhất là về phát triển công nghiệp có thể nói thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công…, Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh đứng đầu. Với dư địa và tốc độ phát triển như vậy, mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 là rất gần, rất khả thi.
Về chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, hiện nay đã phân cấp, phân quyền rất nhiều nhiệm vụ cho cấp xã. Trong đó, hơn 500 nhiệm vụ của huyện đảm nhận trước đây đã giao cho cấp xã; điểm mới là xây dựng Trung tâm hành chính công cấp xã để phục vụ người dân; sẽ triển khai cả cấp tỉnh và Chính phủ.
"Việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp rất hợp lòng dân, tỉ lệ ủng hộ của người dân gần như là tuyệt đối, nhiều nơi có thể nói là tuyệt đối, nên các đồng chí phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nhất là các đồng chí ở chính quyền cơ sở để sự ủng hộ, niềm vui, niềm tin ấy của người dân phải được nhân lên, lan tỏa rộng lớn hơn" - Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu và nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Bắc Ninh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng để được trao đổi, giải đáp, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nếu có để vận hành trơn tru chính quyền địa phương 2 cấp, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đội ngũ này quyết định chất lượng phục vụ người dân, đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao hơn trách nhiệm, tận tâm tận lực thái độ phải thân thiện, gần gũi người dân.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, cán bộ phải nắm chắc luật, nắm vững quy định, quy trình công tác. Chính phủ đã hỗ trợ nhiều giải pháp nâng cao trình độ như tập huấn nghiệp vụ; tới đây các bộ sẽ tập huấn tiếp về các lĩnh vực chuyên môn. “Những gì còn vướng mắc thì Chính phủ sẽ nghe các địa phương phản ánh để có chính sách, đảm bảo chính quyền mới vận hành trơn chu” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Về vấn đề đường sắt, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, có 3 tuyến đường sắt hiện hữu trong đó có tuyến đi qua Bắc Giang đi Lạng Sơn; tuyến Lào Cai – Hải Phòng; tuyến Bắc Nam; trong quy hoạch còn có đường sắt đô thị trước mắt phát triển ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tương lai sẽ phát triển ở các địa phương khác, trong đó có thể có Bắc Ninh; đã có nhà đầu tư đề nghị xây dựng tuyến đường sắt đi qua Bắc Ninh.
Về tuyến đường sắt tốc độ cao, Quốc hội cho phép 3 hình thức đầu tư: công, công tư, tư hoàn toàn. “Dù đầu tư theo hình thức nào thì các yêu cầu của đường sắt vẫn đảm bảo: làm khẩn trương, tiết kiệm; chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; phòng chống được tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Trong đó phải làm nhanh, đúng tiến độ đúng thời gian; phải hướng đến nhiều lợi ích kép” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh. Đối với kiến nghị của cử tri, đề nghị Đoàn ĐBQH tập hợp, báo cáo Chính phủ và các đơn vị chức năng giải quyết.
Phương Thủy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thoi-su/viec-thuc-hien-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-rat-hop-long-dan-i773842/