Bệnh diễn biến mạn tính, xen kẽ với những giai đoạn bùng phát. Ảnh: Hcahealthcare.
Viêm da cơ địa hay chàm cơ địa là một bệnh viêm da mạn tính, hay tái phát. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, thường khởi phát ở trẻ em và có thể liên quan các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, dị ứng thức ăn, mày đay, viêm da tiếp xúc…
Biểu hiện lâm sàng của viêm da cơ địa khác nhau, tùy theo từng lứa tuổi. Bệnh diễn biến mạn tính, xen kẽ với những giai đoạn bùng phát.
Triệu chứng thường gặp: Ngứa, đỏ da, mụn nước, sẩn dày da, vảy da, vảy tiết.
Triệu chứng khác: Dày sừng nang lông tập trung ở cánh tay, đùi, má; chứng da vẽ nổi trắng, đục thủy tinh thể…
Nguyên tắc điều trị bệnh lý này là chú trọng giữ ẩm cho da, chăm sóc da hàng ngày và khi tổn thương tốt, chống viêm, giảm ngứa và loại bỏ các yếu tố nguy cơ.
Điều trị nền: Dưỡng ẩm da
Dưỡng ẩm chính là phương pháp điều trị căn bản trong xử trí các giai đoạn của bệnh viêm da cơ địa.
Hướng dẫn sử dụng chất dưỡng ẩm:
Nên sử dụng ít nhất 2-3 lần/ngày. Nếu tình trạng da khô nhiều, có thể tăng số lần sử dụng.
Sử dụng ngay sau khi tắm/ rửa tay/ làm ẩm da 3-5 phút để duy trì độ ẩm cho da.
Trong giai đoạn cấp, có thể sử dụng phối hợp với corticosteroid trong 2 tuần đầu. Thoa dưỡng ẩm trước, sau đó thoa corticosteroid.
Người lớn dùng 500-600 gr/tuần, trẻ em 250-300 g/tuần.
Nên sử dụng duy trì hàng ngày dù không có tổn thương nhằm phòng tái phát bệnh.
Tránh sử dụng vào niêm mạc như mắt, mũi, miệng.
Dưỡng ẩm chính là phương pháp điều trị căn bản trong xử trí các giai đoạn của bệnh VDCĐ. Ảnh: Shutterstock.
Cách chăm sóc da hàng ngày và khi tổn thương
Tắm: Thời gian tắm không quá 5 phút, nhiệt độ nước ấm khoảng 36 độ C. Sữa tắm nên dùng sản phẩm dành riêng với người bệnh viêm da cơ địa hoặc xà phòng dịu nhẹ, không hương liệu hoặc chất làm sạch.
Bôi chất dưỡng ẩm da mỗi ngày, ngay cả khi không có tổn thương. Trong vài phút sau khi tắm hoặc làm ẩm da bằng nước, dùng khăn thấm khô nhẹ nhàng và bôi dưỡng ẩm ngay lên toàn thân.
Thay đổi hành vi: Không chà, không gãi, cho người bệnh đeo găng tay hoặc tất khi đi ngủ để giảm vòng luẩn quẩn ngứa - gãi, cắt móng tay thường xuyên để tránh tổn thương da và nhiễm trùng.
Nên tránh các yếu tố nguy cơ như: Khí hậu khô, khói, lông chó mèo, phấn hoa...
Chống viêm
Thuốc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh, vùng da bị tổn thương, lứa tuổi. Có thể sử dụng thuốc theo 2 giai đoạn:
Điều trị tấn công: Corticosteroid tại chỗ với trường hợp nhẹ không nên dùng. Tùy theo nhu cầu điều trị, người bệnh cân nhắc lựa chọn loại corticosteroid sao cho phù hợp. Thuốc được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, chỉ dụng một lượng vừa đủ và giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát.
Điều trị duy trì: Áp dụng khi bệnh tái phát thường xuyên, dai dẳng kéo dài. Sử dụng corticosteroid gián đoạn tại chỗ.
Điều trị những trường hợp bệnh nặng: Cortiscosteroid tại chỗ loại mạnh; liệu pháp ánh sáng (tia cực tím); liệu pháp tâm lý.
Lưu ý, một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng corticosteroid như teo da, hội chứng para-Cushing, suy gan, suy thận...
Giảm ngứa
Thuốc kháng histamine đường uống giúp làm giảm viêm, giảm ngứa:
Loại không gây buồn ngủ: Loratadin, desloratadin có thể dùng hàng ngày.
Loại gây buồn ngủ: Hydroxyzine, Diphenhydramine được dùng trước khi đi ngủ.
ThS.ĐD Hoàng Hồng Hạnh
Bệnh viện Da liễu Trung ương