Minh họa/INT
Viêm khớp cấp tính tuy ít gặp hơn các bệnh lý khác thuộc nhóm bệnh xương khớp, nhưng nếu “vướng phải” mà không được khám, điều trị kịp thời, có hiệu quả sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí có thể tàn phế suốt đời…
Đột ngột, nhanh chóng
Viêm khớp cấp tính là tình trạng khớp xương bị viêm, sưng và đau. Bệnh khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh chóng, rầm rộ do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại tác nhân gây bệnh quá tích cực.
Điều này làm cho nhiều khớp như một dàn đồng ca… cùng đau. Điều may mắn là bệnh lý này ít phổ biến. Tuy nhiên, bệnh có khả năng diễn biến kéo dài, chuyển thành mạn tính nếu như không được xác định sớm và điều trị kịp thời.
Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp là do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm tủy xương, ung thư xương, còi xương, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, lupus ban đỏ hệ thống, suy giáp, bệnh bạch cầu…
Ngoài nguyên nhân gây bệnh, còn có các yếu tố nguy cơ sau đây: Tuổi càng lớn càng dễ mắc bệnh, trong gia đình và dòng họ có nhiều người cùng mắc bệnh này, người đã từng bị chấn thương khớp hoặc bệnh lý gây tổn thường khớp trước đó, người có bệnh lý nền điều trị không ổn định thường dễ bị viêm khớp phản ứng, người mắc bệnh béo phì.
Một số trường hợp có biểu hiện đau khớp cấp tính nhưng lại nằm ngoài bệnh cảnh viêm khớp cấp tính. Các nguyên nhân có thể gặp bao gồm: Bong gân, vận động quá mức, viêm do chấn thương, viêm bao hoạt dịch, bệnh gút… Nhìn chung, các bệnh này sẽ khỏi trong vòng một vài tuần bằng cách điều trị bảo tồn và tự chăm sóc.
Các biểu hiện mang tính phổ biến ở người mắc bệnh viêm khớp cấp tính gồm:
- Sưng, nóng và đỏ ở các khớp đang bị tác động.
- Vận động khó khăn và bị giới hạn nhiều so với lúc bình thường.
- Đau là biểu hiện phổ biến khiến cho người bệnh lo lắng và tìm cách điều trị. Cơn đau khớp thường xuất hiện đột ngột. Ở người bệnh gút cơn đau thường hiện hữu sau một bữa ăn thịnh soạn.
Điều quan trọng cần lưu ý là nếu các biểu hiện sưng, đau kéo dài > 2 tuần, hoặc tính chất bệnh đột nhiên trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là sự xuất hiện thêm các dấu hiệu mới như phát ban, sốt, ớn lạnh nhiều, ho dữ đội, đau ngực, thở khó, đau mắt, đỏ mắt, đau vùng bụng, loét niêm mạc miệng, mũi và nhất là loét ở bộ phận sinh dục... thì người bệnh phải đến bệnh viện gấp để được xác định chẩn đoán và điều trị, không có bất cứ lý do gì trì hoãn hoặc “tự xử” tại gia, vì các biến chứng nghiêm trọng có thể đang treo lơ lửng trên đầu.
Những biến chứng thường gặp nếu để viêm khớp cấp tính trở thành viêm khớp mạn tính:
- Phá hủy sụn khớp và xương: Các khớp bị viêm gây tác động lên dây chằng, gân, cơ và dịch khớp làm cho chức năng của khớp bị suy yếu nghiêm trọng. Đặc biệt là sự phá hủy sụn khớp và xương làm cho người bệnh đau đớn nhiều hơn và cử động ngày càng khó khăn hơn.
- Biến dạng cấu trúc khớp: Khớp bị viêm nhiễm lâu ngày không còn trơn láng và trở nên thô ráp do bị tổn thương và sự hình thành những khối u nhỏ. Điều này làm cho khớp bị biến dạng, gây ảnh hưởng đến vận động và thậm chí người bệnh trở nên tàn phế.
Minh họa/INT
Hướng điều trị và cách phòng bệnh
Việc điều trị được cá thể hóa cho từng người bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh. Nhìn chung được thực hiện như sau:
- Chỉ đau khớp đơn thuần: Nghĩa là đau khớp, nhưng không có các biểu hiện của viêm khớp, thường chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông dụng (như Paracetamol). Một số trường hợp cần cố định khớp bằng nẹp.
- Viêm khớp phản ứng: Là do sự nhiễm trùng các bộ phận khác trong cơ thể gây phản ứng viêm tại khớp. Trường hợp này cần sử dụng kháng sinh để điều trị nguyên nhân gốc.
Khi tình trạng đau và viêm giảm bớt người bệnh cần có sự phối hợp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để cải thiện chức năng vận động của các khớp. Đặc biệt là để ngăn chặn sự teo cơ và cứng khớp.
Viêm khớp cấp tính có thể phòng tránh được nhờ thực hiện lời khuyên của các nhà chuyên môn về bệnh xương khớp như sau:
- Chế độ ăn: Thực hiện chế độ ăn có nhiều chất cần thiết cho xương, khớp. Chế độ ăn này gồm các loại thực phẩm giàu thành phần Omega-3 như các loại cá hồi, mòi, ngừ… Các loại dầu thực vật như dầu đậu tương, hạt cải… và một số loại rau quả hạt như bông cải xanh, hạt chia, quả óc chó… Ngoài ra, còn có các loại sữa chua và trứng... đều rất cần thiết cho xương khớp.
- Rèn luyện thân thể: Sự vận động hợp lý và thể dục thể thao thường xuyên giúp cho xương khớp gia tăng sự bền bỉ và ngăn ngừa được nhiều căn bệnh khác. Việc rèn luyện thân thể còn có tác dụng tích cực trong việc chống lại thừa cân, béo phì và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý nhất. Bệnh béo phì gia tăng áp lực thường xuyên lên các khớp nên dễ gây ra các bệnh lý ở khớp.
- Kiểm soát bệnh lý nền: Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý về tiêu hóa, ung thư, nội tiết… cần khám sức khỏe định kỳ và kiểm soát tốt để tránh gây viêm khớp phản ứng.
Thạc sĩ y học Mai Hữu Phước