Minh họa/INT
Đầu ngón tay hoặc đầu ngón chân có một loại bệnh lý thường gặp mang tên viêm quanh móng hay còn gọi là chín mé. Diễn biến bệnh ban đầu tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng nếu không được quan tâm đúng mức, người bệnh có thể sẽ trải qua những cơn đau thê thảm, kiểu như “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”!
Nhiễm trùng gây hoại tử
Chín mé là tình trạng nhiễm trùng mô mềm và gây hoại tử có mủ ở quanh đầu ngón tay hoặc ngón chân. Bệnh gặp ở nhiều độ tuổi, có nguy cơ tái phát cao nếu không được điều trị triệt để có thể tạo ra những biến chứng nặng nề. Trên thực tế, bệnh chín mé ở ngón tay thường gặp hơn ở ngón chân.
Loại vi khuẩn gây bệnh chín mé thường gặp nhất là tụ cầu vàng (staphylococcus aureus), có khuynh hướng ký sinh ở da và vùng mũi họng. Sự ký sinh này tưởng chừng hiền hòa, nhưng trong một điều kiện thuận lợi nào đó thì tụ cầu vàng sẽ không bỏ lỡ thời cơ để hành khổ chủ.
Tụ cầu vàng là loài vi khuẩn có độc tố rất cao và có khả năng đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh. Vi khuẩn từ bề mặt nơi ký sinh xâm nhập vào cơ thể qua vết xước nhỏ trên da và gây bệnh.
Những người làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn, điều kiện vệ sinh thấp và những người có cơ địa ra nhiều mồ hôi sẽ là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như: Bấm móng tay, móng chân không cẩn thận để trầy xước da, dụng cụ bấm móng tay, móng chân bẩn, nhiễm khuẩn; phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót bít mũi (vì tạo ra nhiều mồ hôi); các trường hợp bị chấn thương đầu ngón chân, ngón tay hoặc quá trình lao động, sinh hoạt làm trầy xước đầu các ngón tay, chân; người có bệnh lý nền như nhiễm HIV, thừa cân béo phì…
Nhìn chung, người mắc bệnh chín mé có biểu hiện toàn thân là một bệnh cảnh nhiễm trùng tương tự như các trường hợp nhiễm trùng khác. Các dấu hiệu thường thấy bao gồm: Uể oải, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, nhức đầu. Các biểu hiện tại vị trí mắc bệnh ngày càng rõ rệt hơn như cảm giác khó chịu, ngứa, sưng, nóng, đỏ, đau. Đau có tính chất từng cơn và ngày càng gia tăng.
Các nhà chuyên môn chia sự tiến triển của bệnh chín mé thành ba giai đoạn nối tiếp nhau. Tính chất đau ở mỗi giai đoạn có sự khác biệt.
- Giai đoạn 1: Diễn ra từ 1 - 3 ngày đầu tiên. Tại vị trí đầu ngón tay hoặc ngón chân mắc bệnh cảm giác ngứa, khó chịu, sưng, nóng, đỏ và đau. Cử động ngón tay, ngón chân mắc bệnh khó khăn vì… đau!
- Giai đoạn 2: Diễn ra từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Các biểu hiện bệnh bắt đầu rầm rộ thật sự. Vùng viêm không dừng lại ở đầu ngón mà lan rộng ra cả ngón. Tính chất đau gia tăng nhiều hơn ở giai đoạn 1. Cảm giác thường thấy trong giai đoạn này là ngón tay, chân bị viêm căng tức, đau từng cơn và giật theo nhịp đập của trái tim.
- Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn hóa mủ của bệnh chín mé. Tại vị trí viêm, mủ được hình thành dưới dạng một áp xe nhỏ hoặc một khối mủ hóa lỏng. Một số trường hợp vỡ mủ rỉ dịch ra ngoài. Dịch có màu trắng đục hoặc màu đỏ của máu. Khi vỡ mủ, người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn vì đỡ căng tức và đỡ đau.
Minh họa/INT
Hướng điều trị và phòng bệnh
Vệ sinh bàn tay, bàn chân có ngón bị mắc bệnh, đặc biệt là ngón tay hoặc ngón chân mắc bệnh. Việc vệ sinh và sát khuẩn sạch sẽ nhằm mục đích ngăn chặn sự nhiễm khuẩn lan rộng. Sử dụng loại xà phòng phù hợp hoặc xà phòng y tế có tính sát khuẩn cao để vệ sinh da.
Tốt nhất, dùng thuốc tím ngâm rửa chi có ngón mắc bệnh. Sau ngâm rửa, lau khô bằng bông, gạc vô khuẩn hoặc khăn, vải sạch và bôi thuốc mỡ kháng sinh. Sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm chích tùy theo điều kiện và mức độ của bệnh. Kháng sinh cần dùng theo đơn bác sĩ, tránh sử dụng tùy tiện nhằm góp phần hạn chế tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc trong cộng đồng.
Các trường hợp đã hóa mủ nhưng không bị vỡ ra ngoài, phải tháo mủ bằng các phương pháp chích, lể hoặc rạch. Lưu ý, sử dụng các loại dụng cụ đã được vô khuẩn nhằm tránh “thêm dầu vào lửa”.
Các trường hợp rạch mủ tốt nhất nên được tiến hành tại cơ sở y tế có phòng mổ nhỏ nhằm mục đích loại bỏ ổ mủ một cách triệt để nhất. Nhờ vậy, người bệnh sẽ khỏi mau, tránh bệnh diễn biến kéo dài, dai dẳng và dễ tái phát.
Trường hợp tự chăm sóc tại nhà, nếu thấy các biểu hiện của bệnh không sớm cải thiện, tình trạng viêm lan rộng, đau nhức nhiều hoặc kéo dài thì phải đi bệnh viện khám xác định và điều trị. Bệnh chín mé tuy không làm chết người, nhưng các biến chứng của nó thì có thể xảy ra như: Viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp và nặng nề hơn là nhiễm trùng huyết…
Các biện pháp phòng tránh bệnh chín mé gồm: Bàn chân và bàn tay luôn được vệ sinh sạch sẽ, bỏ thói quen đi giày cao gót bít kín thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với đất bẩn, không đi chân trần. Lao động và sinh hoạt cẩn thận nhằm tránh tối đa các thương tổn da ở ngón tay và ngón chân vì đó là “cửa vào” của vi khuẩn.
Dụng cụ cắt móng chân, móng tay đảm bảo vô khuẩn, tốt nhất là dùng các dụng cụ riêng. Khi cắt móng tay, móng chân không nên cắt quá sâu vì nguy cơ làm tổn thương da quanh móng rất lớn. Tập cho trẻ nhỏ không hình thành thói quen mút ngón tay và cũng không để trẻ chạy nhảy vui chơi ở vùng đất cát bẩn.
Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước