Viên chức có được nhận thừa kế đất lúa, đứng tên trên sổ đỏ?

Viên chức có được nhận thừa kế đất lúa, đứng tên trên sổ đỏ?
8 giờ trướcBài gốc
Liên quan đến vấn đề viên chức có được nhận thừa kế đất lúa hay không, công dân phản ánh trường hợp là giáo viên mầm non của xã trong biên chế nhà nước. Bố mẹ có 4.000m2 đất khai hoang năm 1990 (chưa có giấy chứng nhận). Khi bố mẹ qua đời, không để lại di chúc.
Năm 2022, các anh chị em trong gia đình làm văn bản phân chia tài sản tại xã, đồng ý cho vị giáo viên mầm non nhận thừa kế đất lúa.
Đầu tháng 1/2025, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lúa thì được xã tư vấn là công chức, viên chức không đứng tên trên sổ cấp lần đầu được, hoặc cấp sổ thì chỉ theo diện được cho thuê đất.
Công dân đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về trường hợp trên.
Ảnh minh họa: Hồng Khanh
Trả lời vấn đề công dân nêu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tại Khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất (sổ đỏ) được cấp cho người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Tại Điều 151 Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp không cấp sổ đỏ.
Việc cấp sổ đỏ với hộ gia đình, cá nhân, đang sử dụng đất quy định tại các Điều: 137, 138, 139, 140 và 141 Luật Đất đai 2024.
Việc xem xét, cấp sổ đỏ cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và cần căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương để áp dụng chính sách.
“Pháp luật đất đai không có quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận thừa kế đất trồng lúa”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay.
Hạn mức chuyển nhượng, tặng cho đất lúa
Luật Đất đai 2024 quy định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Nhà nước giao đất nông nghiệp trong hạn mức. Cụ thể, giao không quá 3ha cho mỗi loại đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Giao không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Đối với đất trồng cây lâu năm, giao không quá 10ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Hạn mức giao đất không quá 30ha đối với đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất là rừng trồng.
Cá nhân được giao nhiều loại đất (trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối), tổng không quá 5ha.
Trường hợp được giao thêm đất trồng cây lâu năm, hạn mức không quá 5ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá 25ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Trường hợp được giao thêm đất rừng sản xuất là rừng trồng, hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25ha.
Diện tích đất nông nghiệp của cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định như trên.
Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức (tối đa là 3ha hoặc 2ha tùy tỉnh thành) thì phải thành lập tổ chức kinh tế, có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt. Ngoại trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế thì không bị giới hạn bởi hạn mức.
Hồng Khanh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/vien-chuc-co-duoc-nhan-thua-ke-dat-lua-dung-ten-tren-so-do-2387903.html