Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ra mắt Chiến lược Phát triển chăn nuôi bền vững

Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế ra mắt Chiến lược Phát triển chăn nuôi bền vững
5 giờ trướcBài gốc
Năm 2024 đánh dấu cột mốc 50 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), một trung tâm trực thuộc CGIAR. Chiều 15/10, lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ILRI được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Giáo sư Appolinaire Djikeng, Tổng giám đốc ILRI toàn cầu.
Kể từ năm 1999, ILRI đã đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam, triển khai nhiều dự án nghiên cứu quan trọng, từ an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, cho đến biến đổi khí hậu và sản xuất chăn nuôi bền vững. Năm 2006, ILRI chính thức thành lập văn phòng tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, Một sức khỏe và cải thiện năng suất chăn nuôi.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Giáo sư Appolinaire Djikeng, Tổng giám đốc ILRI toàn cầu nhấn mạnh Chiến lược mới thể hiện cam kết của ILRI trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu thông qua đổi mới sáng tạo, cung cấp các giải pháp chăn nuôi bền vững có thể nhân rộng và được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương, thúc đẩy thay đổi chính sách và đầu tư có mục tiêu để cải thiện sinh kế đồng thời bảo vệ môi trường.
Về phần mình, đại diện cho Bộ NN-PTNT Việt Nam, đối tác chính của ILRI, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến toàn thể lãnh đạo, cán bộ và các nhà khoa học của ILRI nói riêng và CGIAR nói chung đã và đang đóng góp cho sự phát triển và thành công của ILRI trên toàn thế giới và đặc biệt tại Việt Nam trong thời gian qua. Thứ trưởng khẳng định Bộ NN-PTNT Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và mở rộng hợp tác với ILRI, cùng các đối tác trong và ngoài nước để tạo nên những thành quả thiết thực, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho con người, sức khỏe vật nuôi và môi trường không chỉ cho Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.
Để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp trong quá trình hợp tác của hai bên trong 25 năm qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thay mặt Bộ NN-PTNT trao tặng 2 Bằng khen cho Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế và ngài Tiến sỹ Fred Unger, Trưởng đại diện ILRI Khu vực châu Á vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn.
Với tư cách là một trung tâm thuộc CGIAR, mạng lưới nghiên cứu nông nghiệp lớn nhất toàn cầu, ILRI sẽ tăng cường phối hợp với các tổ chức phát triển trên toàn cầu, tận dụng công nghệ 4.0, thế mạnh của các bên liên quan, đặc biệt là Bộ NN và PTNT- đối tác chiến lược của ILRI- cùng các cơ quan chính phủ liên ngành từ Trung ương tới địa phương để tìm kiếm nguồn lực triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững giai đoạn 2024 - 2030 tại Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc nói chung.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT rất vinh dự khi được chọn là trung tâm nghiên cứu và đầu tư của ILRI tại khu vực và tin tưởng với tiềm năng và thế mạnh của ILRI về tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học ứng dụng ILRI sẽ đóng góp vào Hệ thống Thực phẩm bền vững, Sức khỏe động vật, Ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, ILRI đã đánh giá những thành tựu, bài học kinh nghiệm và định hướng hợp tác về chăn nuôi bền vững với Việt Nam thông qua Chiến lược “Khám phá tiềm năng chăn nuôi bền vững thông qua nghiên cứu để cải thiện cuộc sống và hành tinh” giai đoạn 2024 - 2030. Chiến lược có nhiệm vụ giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và phát triển bền vững, cải thiện hệ thống chăn nuôi của ILRI tại châu Phi và châu Á, phấn đấu nâng cao đời sống của 300 triệu người tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo đó, Chiến lược đặt ra mục tiêu thiết kế và triển khai các giải pháp chăn nuôi bền vững dựa trên khoa học với quy mô lớn; tận dụng khoa học để định hình các quyết định chính sách và đầu tư mang lại hiệu quả và quy mô lớn trong khu vực và nội tại ngành chăn nuôi cho các quốc gia mục tiêu của Chiến lược, trong đó có Việt Nam.
Trong những năm có mặt tại Việt Nam, những dự án của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế đã giúp nâng cao năng lực khoa học, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, các yêu cầu thị trường ngày càng cao, các rào cản về kỹ thuật và chất lượng cho việc xuất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Theo Nông nghiệp
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/vien-nghien-cuu-chan-nuoi-quoc-te-ra-mat-chien-luoc-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-post704782.html