Viện nghiên cứu Cơ khí: Thành công từ việc làm chủ công nghệ

Viện nghiên cứu Cơ khí: Thành công từ việc làm chủ công nghệ
2 giờ trướcBài gốc
Hoạt động của Viện đã có tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành, luôn đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ của các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.
Với bề dày hơn 62 năm nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa, với đội ngũ kỹ sư/nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu triển khai, Viện nghiên cứu Cơ khí chủ yếu áp dụng phương án kết hợp mua công nghệ và tự nghiên cứu, phát triển công nghệ. Dưới sự hướng dẫn hoặc giám sát của chuyên gia nước ngoài, Viện đã tiến hành thiết kế chi tiết, thiết kế thi công các hệ thống thiết bị đồng bộ áp dụng cho các ngành kinh tế trong nước.
Trưởng thành từ một đơn vị thiết kế, giai đoạn đầu Viện nghiên cứu Cơ khí chủ yếu cung cấp thiết kế cho hầu hết các nhà máy cơ khí trong nước để chế tạo những sản phẩm cơ khí như máy tuốt lúa, máy kéo nhỏ, một số máy công cụ như máy khoan, máy tiện, máy ép và một số loại động cơ điện, máy bơm nước, nông cụ phục vụ nông nghiệp,…Viện còn là đơn vị đi đầu trong việc cung cấp máy móc, thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp như: máy nhuộm cao áp, máy dệt khăn bông cho ngành dệt, các thiết bị cho nhà máy xi măng lò đứng, các thiết bị cho các nhà máy mía đường, nhà máy thức ăn gia súc, nhà máy phân bón, hóa chất,...
Đến nay, trên nền của những hoạt động này, ở trình độ cao hơn, Viện nghiên cứu Cơ khí được đánh giá là tổ chức nghiên cứu phát triển hàng đầu, đủ năng lực đảm nhận tư vấn, thiết kế, tổng thầu những công trình lớn cho các chương trình kinh tế trọng điểm của đất nước.
Thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện
Có được năng lực đó là nhờ Viện đã sớm có chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp nhận các công nghệ hiện đại. Viện sớm trở thành đơn vị đứng đầu và có nhiều kinh nghiệm trong việc nhận chuyển chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nhà cung cấp có thương hiệu trên thế giới. Đồng thời gắn kết chặt chẽ với các các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo và lắp máy trong nước triển khai ứng dụng các công nghệ mới, đã góp phần đưa ngành cơ khí từng bước làm chủ việc chế tạo và cung cấp các dây chuyền thiết bị đồng bộ như thiết bị nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, bôxit,… đáp ứng kịp thời cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thành công đầu tiên có tính đột phá của Viện nghiên cứu Cơ khí là đã gắn kết cơ khí với tự động hóa, chọn hướng phát triển công nghệ tự động hóa trên cơ sở khai thác, ứng dụng và tích hợp các phần tử tự động hóa tiên tiến, Viện sớm làm chủ công nghệ tự động hóa để chế tạo các sản phẩm cơ khí, dây chuyền thiết bị đạt trình độ công nghệ đương đại, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm chế tạo trong nước. Bên cạnh đó Viện còn làm chủ nhiều lĩnh vực công nghệ tự động hóa khác như công nghệ chẩn đoán giám sát trạng thái dây chuyền thiết bị, cân bằng động các thiết bị lớn tại hiện trường, tích hợp cung cấp các hệ thống tự động như hóa cho các nhà máy và dây chuyền sản xuất,…
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, Viện nghiên cứu Cơ khí đã thành công trong hoạt động đào tạo để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Viện là môi trường đào tạo nhanh, toàn diện và hiệu quả,… Tới nay, năng lực cán bộ Viện đã có bước tiến nhảy vọt không chỉ trong công tác nghiên cứu, thiết kế, mà Viện còn đủ năng lực làm tổng thầu EPC hay EPCM cho nhiều lĩnh vực: Thủy điện; Nhiệt điện; Khai thác và chế biến khoáng sản; Sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt lĩnh vực năng lượng mới và công nghệ cao, Viện đã thành công trong thực hiện cung cấp trọn gói hệ thống phao nổi và neo cho Dự án điện mặt trời Đa mi với tổng công suất 47,5 MW. Viện đang xây dựng, phát triển các sản phẩm công nghệ cao theo hướng công nghệ 4.0, trọng tâm là tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các kho chứa thông minh phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế số.
Sản xuất, lắp ráp phao cho Dự án điện mặt trời
Ngoài những chương trình lớn kể trên, Viện còn thiết kế chế tạo, ứng dụng thành công vào sản xuất nhiều dây chuyền, máy và thiết bị như dây chuyền chế biến chè, thiết bị nạo vét sông hồ cho chương trình thoát nước đô thị, thiết bị cho nhà máy sản xuất phân bón và hóa chất, dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy.
Trong 5 năm gần đây, Viện nghiên cứu Cơ khí đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh thu bình quân trên 1.000 tỷ đồng/năm, đời sống CBVC và người lao động ngày càng được cải thiện và nâng cao. Những thành công của Viện đến từ việc làm chủ công nghệ đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cơ khí đất nước.
Trên cơ sở những thành công đã đạt được, định hướng của Viện là trở thành doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mà trọng tâm là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện. Đủ năng lực làm tổng thầu hoặc Chìa khóa trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện như nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến bô xít nhôm, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, xử lý và phát điện từ rác, tự động hóa trong dây chuyền sản xuất công nghiệp và nhà kho thông minh.
Chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công việc trong thời kỳ mới. Phấn đấu đến năm 2030 doanh thu đạt mức 2.000 tỷ đồng và đến 2045 doanh thu phấn đấu đạt 3.000 tỷ đồng, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, phát triển đạt 2%.
Ông Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí cho biết: “Thời gian tới, Viện tập trung phát triển nguồn lực; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu triển khai, tăng cường sự gắn kết với các tổ chức về nghiên cứu, đào tạo trong nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ; Xây dựng đội ngũ để sẵn sàng chuyển giao các công nghệ mới từ các đối tác nước ngoài, đưa NARIME trở thành đơn vị đầu ngành mạnh về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa”.
Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) trực thuộc Bộ Công Thương, thành lập năm 1962, là cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của Nhà nước về khoa học công nghệ, tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền thiết bị đồng bộ trong lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa. Đến nay, Viện đã khẳng định là một đơn vị đầu ngành về công tác nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Hưng Nguyên
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/vien-nghien-cuu-co-khi--thanh-cong-tu-viec-lam-chu-cong-nghe-130299.htm