Bến thuyền xưa và nay
Phần lớn diện tích xã Bình Châu (Bình Sơn) hiện nay, trước năm 1945 nằm trong xã Châu Me Đông, phủ Bình Sơn. Đây là một bán đảo nằm nhoài ra Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 135 hải lý, gần nhất so với bờ biển cả nước. Địa danh Châu Me phảng phất cách gọi của những vùng đất vốn do người Chăm cổ quản lý như Châu Lai (Chu Lai), Châu Ổ, Châu Sa... Phía bắc mũi Ba Làng An có hải đăng cao 36,4m, xây dựng năm 1982. Trong thời kỳ thuộc địa, hải quân Pháp sử dụng Ba Làng An làm điểm xuất phát cho các tàu thuyền làm nhiệm vụ tiếp tế cho quần đảo Hoàng Sa, nơi đã có người Việt và người Pháp định cư.
Biển Bình Châu (Bình Sơn) trong xanh. Ảnh: ALEX CAO
Bờ biển Bình Châu dài 17km, hàng trăm năm trở về trước có thương cảng thông với sông Châu Me Đông, ghe bầu từ nhiều nơi tụ hội về đây trên đường buôn biển. Ngày nay, Bình Châu có cảng Sa Kỳ, nằm trên trục giao thông đường thủy Bắc Nam, kết nối với huyện Lý Sơn. Đội thuyền đánh cá Bình Châu có khoảng 2 nghìn lao động, hơn 490 chiếc tàu thuyền, sản lượng khai thác hải sản năm 2024 trên 20 nghìn tấn. Ngư dân Bình Châu đánh bắt khơi xa ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những tàu có công suất lớn thường xuyên bám biển dài ngày, vừa khai thác hải sản vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tương lai tươi sáng đang chờ
Bình Châu có di sản địa chất vô cùng phong phú và độc đáo, đó là mũi Ba Làng An nằm cách cảng Sa Kỳ hơn 10km, cách Lý Sơn 15 hải lý. Dưới chân mũi Ba Làng An, chìm trong nước biển, có miệng núi lửa cổ rộng khoảng 30m2, niên đại sớm nhất khoảng 11 triệu năm. Dấu tích miệng núi lửa phát lộ khi thủy triều xuống, vây quanh là những rạn san hô ẩn hiện nhiều màu sắc trên các phiến đá trầm tích.
Nơi sản sinh người tài
Châu Me Đông - Bình Châu xưa có những người nổi tiếng hiếu học như Tú tài Đặng Công Nhượng, Cử nhân Đặng Công Tuấn. Một người Bình Châu từng tham gia đánh quân Pháp năm 1858 tại Đà Nẵng là Phan Khắc Thận (1798 - 1868). Đây còn là quê của “ông Tú Châu Me” Trần Kỳ Phong (1872 - 1941), một nhà yêu nước kiên trung. Trần Kỳ Phong đậu tú tài năm Mậu Tý (1888), tham gia phong trào kháng thuế (1908), bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Ra tù, ông về quê mở trường dạy học. Thầy giáo Trần Kỳ Phong dạy cho nhiều thanh niên hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản, một trong những học trò là nhà cách mạng Nguyễn Nghiêm, về sau trở thành Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.
Bình Châu có di tích văn hóa Sa Huỳnh, có dấu vết văn hóa Chăm. Vùng bờ biển Bình Châu có những con tàu đắm, niên đại cách ngày nay 5- 7 thế kỷ. Thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu có những ngư dân chuyên lặn biển, hành nghề hầu như khắp vùng biển đảo ven bờ Việt Nam. Ở đây, hầu như nhà nào cũng lưu giữ ít hoặc nhiều các hiện vật gốm sứ vớt lên từ biển nên còn được mệnh danh là “làng cổ vật”. Chi hội Di sản văn hóa thôn Châu Thuận biển cũng đã được thành lập năm 2024.
Bình Châu ngày xưa có An Hải sa bàn (nay thuộc thôn An Hải) là một trong 12 thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ngãi. Bình Châu còn có địa đạo Đám Toái được công nhận di tích cấp quốc gia; có những bãi biển đẹp như Châu Tân, Gành Lá Ngái... Vào dịp tết Đoan Ngọ hằng năm, ngư dân Bình Châu tổ chức lễ hội đua thuyền theo tục lệ truyền thống, một nét đẹp văn hóa độc đáo, cầu cho biển lặng sóng êm, ra khơi được mùa. Bình Châu có những ngư dân ở làng An Hải, từ đất liền ra đảo Lý Sơn khai làng, lập ấp vào thế kỷ XVII, tham gia Đội Hoàng Sa, ghi đậm dấu ấn trong lịch sử.
Cảnh đẹp ở Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Tôi vừa có cuộc gặp lý thú với Tiến sĩ Vũ Thế Long tại Ba Làng An. Ông là nhà nghiên cứu lâu năm trong lĩnh vực cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lịch sử, văn hóa, một chuyên gia về du lịch và ẩm thực. Tiến sĩ Vũ Thế Long đã nhiều lần đến Bình Châu nghiên cứu, là đồng tác giả một tài liệu khoa học giới thiệu về địa chất, địa mạo vùng Bình Châu, đồng thời là người viết một chuyên luận công phu về du lịch Ba Làng An vào năm 2015. Lần này ông đi cùng đoàn khảo sát và xây dựng dữ liệu cho dự án về du lịch của một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hà Nội. “Một tương lai tươi sáng đang chờ vùng đất Bình Châu”, nở một nụ cười rất tươi, Tiến sĩ Vũ Thế Long nói với tôi như vậy. Tôi tin ông, tin ở đất và người Bình Châu, với những tiềm năng và lợi thế hiếm có, sẽ vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Theo LÊ HỒNG KHÁNH (Báo Quảng Ngãi)