Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM: 'Không thể xem nhẹ sốt xuất huyết'

Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM: 'Không thể xem nhẹ sốt xuất huyết'
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 15/7, đoàn công tác Viện Pasteur TPHCM cùng Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã giám sát công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh tại huyện Củ Chi (cũ).
Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, trong hai tháng qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20–30 ca sốt xuất huyết, chiếm khoảng 20% bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày có thêm 5–10 trẻ được chẩn đoán sốt xuất huyết ngoại trú, trong đó 70% được chỉ định nhập viện.
PGS.TS.BSCKII. Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM kiểm tra công tác phòng bệnh tại huyện Củ Chi (cũ). Ảnh: P.Thương
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận tổng cộng 1.538 ca sốt xuất huyết, trong đó có 299 ca ngoại trú không dấu hiệu cảnh báo, 722 ca nội trú không cảnh báo, 468 ca có dấu hiệu cảnh báo và 49 ca nặng. Trong 6 tháng đầu năm, 4.024 xét nghiệm đã được thực hiện, trong đó 27% mẫu dương tính.
Đoàn công tác kiểm tra tại nhà dân ở huyện Củ Chi (cũ). Ảnh: P.Thương.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bệnh viện đã tổ chức tập huấn, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị; giám sát và xử lý ca bệnh nặng theo quy trình báo động đỏ; thành lập tổ chuyên gia chống dịch và tăng cường giám sát tuân thủ phác đồ điều trị; thực hiện các kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị, hội chẩn và chuyển viện…
Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Củ Chi, địa phương đã triển khai giám sát điểm nguy cơ, ra quân diệt muỗi, truyền thông qua loa đài, băng rôn... Tuy nhiên, việc truyền thông còn hạn chế do nhiều hộ dân chưa tuân thủ nghiêm việc diệt lăng quăng. Đặc biệt, khu công nghiệp và nhà trọ công nhân là nơi ghi nhận số ca nhiều nhất nhưng khó tiếp cận do công nhân đi làm cả ngày.
Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại trường học. Ảnh: P.Thương.
ThS.BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tính đến nay TPHCM đã ghi nhận 11.014 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2024. Số ca mắc hàng tuần liên tục cao hơn năm trước.
Riêng trong 4 tuần gần đây, số ca tăng mạnh, trùng với thời điểm cao điểm mùa mưa, điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Thành phố đã ghi nhận 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tại Bình Dương (cũ) và 1 ca tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Củ Chi hiện đứng thứ hai toàn thành phố về số ca mắc và tốc độ gia tăng.
Nhận định nguy cơ dịch bùng phát cao, Sở Y tế TPHCM đã ban hành kế hoạch tháng cao điểm phòng chống sốt xuất huyết toàn diện, triển khai từ bệnh viện đến cộng đồng. Trong tháng cao điểm phòng dịch (tháng 6–7), thành phố đã xử phạt 5 trưởng điểm nguy cơ để phát sinh lăng quăng.
Lăng quăng phát triển tại các vật dụng đựng nước xung quanh nhà dân. Ảnh: P.Thương.
Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng có chiều hướng gia tăng với 11.667 ca trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Bệnh tăng từ tháng 4, tuy có xu hướng giảm từ tháng 6, nhưng dự báo sẽ tăng trở lại vào tháng 8–9 theo chu kỳ hằng năm.
COVID-19 hiện đã giảm, sau khi có sự gia tăng nhẹ vào tuần 17–22 do xuất hiện biến thể mới . Từ giữa tháng 6 (tuần 24) đến nay, số ca mắc mới và bệnh viêm hô hấp cấp tính đã giảm rõ rệt, trung bình 1 ca/tuần.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu các địa phương xử lý ngay khi có "ca bệnh chỉ điểm" nhập viện, cần kịp thời tìm và diệt nơi muỗi sinh sản, ngăn chặn dịch lan rộng.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề nghị địa phương rà soát lại các điểm nguy cơ, tăng cường truyền thông trực tiếp tại khu công nghiệp, nhà trọ vào buổi tối, cuối tuần để tiếp cận nhóm công nhân, các đối tượng có nguy cơ cao.
Củ Chi hiện đứng thứ hai toàn thành phố về số ca mắc sốt xuất huyết và tốc độ gia tăng. Ảnh: P.Thương.
Các hộ dân, hộ kinh doanh nếu để phát sinh lăng quăng sau nhiều lần nhắc nhở sẽ bị xử phạt theo quy định. Ứng dụng "Y tế trực tuyến" tiếp tục tiếp nhận phản ánh, giám sát điểm nguy cơ.
PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho rằng, khu vực phía Nam nói chung và huyện Củ Chi (cũ) nói riêng là những địa bàn rộng, mô hình phát triển kinh tế - xã hội đa dạng, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết.
"Công tác phòng dịch tại Củ Chi đã triển khai tích cực nhưng hiệu quả chưa cao, cần truyền thông mạnh mẽ, liên tục giúp cộng đồng nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và chủ động tham gia phòng chống", Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM nhận định.
PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Vũ Trung nhấn mạnh: "Chúng ta không thể xem nhẹ sốt xuất huyết. Không có lăng quăng thì sẽ không có sốt xuất huyết, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để người dân hiểu rõ điều đó".
Nam Thương
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vien-truong-vien-pasteur-tphcm-khong-the-xem-nhe-sot-xuat-huyet-169250715175111225.htm