Tác giả Trần Ngọc Hòa (bên phải).
Thừa hưởng đam mê vọng cổ từ cha, thuở nhỏ, tác giả Trần Ngọc Hòa đã thích hát và có năng khiếu sáng tác ca cổ. Gần 10 năm công tác trong ngành văn hóa và tích cực tham gia hoạt động VHNT tại địa phương, bà từng tạm dừng sáng tác một thời gian dài vì bận công việc kinh doanh. Tuy nhiên, đến năm 2014, ngọn lửa đam mê sáng tác lại được khơi dậy, bà quay trở lại sáng tác, tiếp tục cống hiến cho phong trào văn nghệ địa phương.
“Có lẽ duyên với nghệ thuật của tôi chưa dứt. Nhờ sự động viên của bạn bè, người thân và nhất là khao khát tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, mong muốn sẻ chia nỗi đau, mất mát với những người ở lại, tôi tiếp tục cầm bút”, tác giả Trần Ngọc Hòa chia sẻ.
Tác giả Trần Ngọc Hòa thường xuất hiện tại các buổi tổng kết cuộc thi sáng tác VHNT với dáng vẻ giản dị, đời thường. Bà Hòa tâm sự: “Tôi không phải là nhà văn hay nhà thơ chuyên nghiệp. Tôi chỉ là một người bán mỹ phẩm ở chợ thị trấn. Giữa lúc vắng khách, tôi tranh thủ ghi lại những câu chuyện mình đọc được, nghe được về những người lính, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người đi tìm hài cốt liệt sĩ… Đó là cách tôi thể hiện lòng biết ơn với những người đã hy sinh cho đất nước”.
Những câu chuyện ấy được bà chuyển thành thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, chập cải lương hay câu chuyện truyền thanh mang giọng văn mộc mạc, gần gũi, đậm màu sắc Nam bộ. Hình ảnh con đò, dòng sông, bến nước, đồng lúa chín, cánh cò, rừng tràm… hiện lên quen thuộc mà đầy xúc cảm. Vì thế bà được bạn bè, đồng nghiệp trìu mến gọi là “Hồn thơ giữa ồn ào phố chợ”.
Vượt lên những bộn bề đời thường, tác giả Trần Ngọc Hòa vẫn dành trọn tình yêu với VHNT. Bà sáng tác nhiều thể loại như thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, bút ký, kịch bản truyền thanh, chập cải lương…, trong đó, thơ là thể loại bà sáng tác thường xuyên nhất và đã có nhiều bài được phổ nhạc.
Tác phẩm của bà gây ấn tượng bởi sự giản dị, sâu lắng, đầy cảm xúc, đậm tính nhân văn. Dù viết ở thể loại nào bà cũng thể hiện được màu sắc riêng từ ca từ đến hình ảnh khiến người đọc, người nghe dễ rung động và đồng cảm.
“Tôi nghĩ một tác phẩm hay phải bắt nhịp được hơi thở của cuộc sống, chạm đến trái tim người đọc bằng sự giản dị và chân thật. Mỗi bài thơ, bài vọng cổ hay truyện ngắn tôi viết đều chứa đựng cảm xúc và mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi tác phẩm được khán giả đón nhận và đồng cảm”, bà Hòa bày tỏ.
Hơn 10 năm qua, tác giả Trần Ngọc Hòa sáng tác hơn 300 bài thơ, hơn 350 bài ca vọng cổ và nhiều truyện ngắn, bút ký, chập cải lương… và đạt gần 150 giải thưởng tại các cuộc thi. Gần đây nhất, tác phẩm “Gốc quê” của bà đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật ca ngợi vùng đất và con người Kiên Giang với chủ đề “Tự hào đất biển Kiên Giang”…
Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN