Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.541km, bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, đi qua 20 tỉnh, thành trong cả nước với số vốn đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Dự án được xây dựng theo công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng, bảo đảm tốc độ thiết kế 350km/giờ. Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất hoàn thành công tác lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế vào năm 2025-2026; khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035. Qua thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ, đồng thời cho rằng, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp, bởi Việt Nam đã có đủ tiềm lực, ý chí và khát vọng để triển khai. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm thân thiện môi trường…
Theo đánh giá, hiện hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không ở nước ta đang quá tải, đường thủy chưa khai thác hết tiềm năng, còn đường sắt quá lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực, không đáp ứng kịp nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa so với tốc độ phát triển của đất nước hiện nay. Trong khi đó, tính hiệu quả của việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là rất lớn vì tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng việc làm, thu nhập của nhiều lĩnh vực liên quan, như: xây dựng, vật liệu, chế tạo, cơ khí, vận tải, du lịch, bất động sản, công nghiệp - dịch vụ, logistics… và đổi mới sáng tạo.
Đường sắt tốc độ cao còn góp phần tăng tính cạnh tranh giữa các loại hình vận tải khác như hàng không, đường thủy; giảm phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông và tiêu thụ nhiên liệu, khí phát thải trong bảo vệ môi trường... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cảnh quan đô thị và các vùng lân cận. Đồng thời tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, nhất là khu vực xung quanh các nhà ga, nơi có thể phát triển các khu đô thị, trung tâm thương mại, văn phòng và các cụm dân cư mới. Ngoài ra, tuyến đường còn kết nối các thành phố lớn với nhau, làm tăng hiệu quả về giao lưu và phát triển kinh tế, thương mại, du lịch giữa các vùng, giữa các đô thị và trung tâm công nghiệp… thành chuỗi liên hoàn. Cho thấy, tính cấp thiết của dự án đầu tư đường sắt cao tốc là điều không cần bàn cãi.
Có thể nói, dự án đường sắt tốc độ cao là bước đi quan trọng để mở ra một tương lai mới cho hạ tầng giao thông ở nước ta, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo tính bền vững cho tương lai. Với sự chuẩn bị kỹ và quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận trong toàn xã hội, dự án đường sắt cao tốc sẽ là động lực mới, thời cơ mới cho sự bứt phá của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, những việc cần làm tiếp theo là phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Tấn Hòa