Phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp, nghiên cứu viên về phát triển thông minh và bền vững tại Đại học RMIT, để nhìn rõ hơn những lựa chọn chiến lược cho quốc gia trong giai đoạn quyết định này.
Mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cùng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, làm dấy lên lo ngại về năng lực cạnh tranh dài hạn. Ảnh minh họa
Thưa Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp, nhiều chuyên gia cảnh báo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không chuyển đổi kịp thời, ông nhìn nhận như thế nào về bối cảnh hiện tại của Việt Nam?
Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trên hành trình phát triển của mình, với ghi nhận tăng trưởng kinh tế ổn định, xuất khẩu vững mạnh và sở hữu tỉ lệ thương mại so với GDP thuộc hàng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hội nhập toàn cầu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất tiên tiến, đồng thời thể hiện tham vọng làm chủ các công nghệ mũi nhọn như 5G, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn.
Tuy nhiên, song hành cùng những cơ hội ấy là loạt thách thức không thể xem nhẹ: Hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, thiếu nhân lực công nghệ cao, dân số già hóa nhanh và những xáo trộn ngày càng phức tạp trong trật tự thương mại toàn cầu. Chính trong bối cảnh này, một câu hỏi lớn được đặt ra thường xuyên hơn, đó là liệu Việt Nam có đang tiến gần đến bẫy thu nhập trung bình? Câu trả lời là không.
Thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” do Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2006, mô tả hiện tượng trì trệ của một quốc gia, không thể vươn tới nhóm nước có thu nhập cao sau thời gian tăng trưởng nhanh. Các con số liên quan đến thuật ngữ này thật đáng suy ngẫm. Trong 101 nền kinh tế đạt mức thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nước vươn mình thành công, lọt vào nhóm thu nhập cao vào năm 2008. Đến năm 2023, dù dân số toàn cầu đã vượt mốc tám tỉ người, chỉ khoảng 1,4 tỉ người sống ở các quốc gia thu nhập cao.
Không thiếu minh chứng cho các con số này, chẳng hạn Malaysia từng tăng trưởng GDP trung bình 7,4%/năm từ 1961 - 1996 nhưng rồi giảm chỉ còn 4,4%; Thái Lan từng ở mức 7,5%, sau giảm xuống 5%, rồi chỉ còn 2% trong giai đoạn 2021 - 2023. Những quốc gia này không “nghèo đi” nhưng cũng không vươn lên.
Việt Nam cũng bắt đầu lộ rõ giới hạn. Tính đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 11% của Hàn Quốc, 10% của Nhật Bản và 6% của Singapore - gần như không thay đổi so với ba thập kỷ trước. Tỷ lệ đầu tư cho R&D chỉ ở mức 0,42% GDP, thấp hơn cả nhóm thu nhập trung bình thấp.
Tiến sĩ Phan Hoàng Điệp. Ảnh: RMIT
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, Việt Nam sẽ nhanh chóng tụt lại khi chi phí tăng lên và năng suất không còn cải thiện. Do đó, tăng trưởng không đồng nghĩa với bền vững. Một quốc gia chỉ có thể tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu biết tái cấu trúc mô hình phát triển, chuyển từ gia công sang sáng tạo, từ đầu tư vật chất sang tri thức và thể chế.
Thực trạng này đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022. Chiến lược xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược”, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và thực sự bứt phá trong những thập kỷ tới?
Chúng ta cần xác định rõ, tăng trưởng phải dựa trên nền tảng đổi mới. Với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam phải tập trung vào một vài lĩnh vực công nghệ có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu, chẳng hạn bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo hoặc AI.
Đây cũng là định hướng được nhấn mạnh trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “đột phá quan trọng hàng đầu nhằm ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới”.
Bên cạnh công nghệ, Việt Nam còn có lợi thế về địa lý, đặc biệt là khả năng phát triển thương mại hàng hải. Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, nằm trên tuyến vận tải biển sôi động nhất châu Á - Thái Bình Dương, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trung chuyển nếu đầu tư bài bản vào cảng nước sâu như Vân Phong, nâng cấp logistics.
Một hướng đi khác ít được khai thác nhưng đầy tiềm năng là phát triển ngành dược liệu. Hiện nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu dược phẩm dù các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên rất thích hợp trồng dược liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, chuyển đổi sẽ không thể thành công nếu thể chế và hệ sinh thái sáng tạo không đồng bộ. Việt Nam cần một chiến lược giáo dục đại học khác biệt, không chỉ đào tạo đại trà mà xây dựng được các đại học nghiên cứu trọng điểm, kết nối mạnh với doanh nghiệp; đồng thời phải tạo ra quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, cơ chế bảo hộ sáng chế nhanh hơn và thị trường vốn thân thiện hơn với startup công nghệ.
Với góc nhìn toàn cảnh, ông có tin Việt Nam sẽ vượt qua bẫy thu nhập trung bình không, thưa ông?
Tôi tin vào điều đó, nhưng với một điều kiện, chúng ta phải hành động thực sự và hành động nhanh. Việt Nam đang ở thế “ngã rẽ” và nếu không bước qua được, chúng ta sẽ bị mắc kẹt như nhiều quốc gia khác đã từng.
Nghị quyết 57-NQ/TW đã vạch ra mục tiêu rất rõ: Đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; kinh tế số chiếm tối thiểu 50% GDP và lọt vào nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhưng để làm được điều đó, cần hoàn thiện đồng bộ các điều kiện nền tảng: thể chế, nhân lực, hạ tầng và dữ liệu - được xác định là những điều kiện tiên quyết trong chính văn kiện của Bộ Chính trị.
Việt Nam không thiếu trí tuệ, không thiếu ý chí. Điều quan trọng là có đủ dũng khí để thay đổi mô hình phát triển cũ. Như tôi vẫn nói, biết con đường đúng là một chuyện, dám đi đến cùng mới là thử thách thực sự.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hải Yên/Báo Tin tức và Dân tộc (Thực hiện)