Việt Nam là một trong những quốc gia đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Pexels.
Chính sách kinh tế nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump dự báo mang đến không ít thách thức cho các nền kinh tế đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam, từ thuế nhập khẩu, chuỗi cung ứng, đến dòng vốn FDI.
Theo Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cần lường trước những tác động có thể nảy sinh để đưa ra kế hoạch ứng phó linh động.
Tác động đa chiều từ chính sách thuế quan
Chính sách thuế nhập khẩu được ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ trước đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ.
Việt Nam là một trong những quốc gia đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhiều nhà sản xuất toàn cầu đã chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan khắc nghiệt của Mỹ, giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực.
Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, và da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam dễ chịu tác động từ các chính sách thương mại bảo hộ của Mỹ.
Nếu chính quyền ông Trump áp dụng mức thuế suất cao với hàng hóa Việt Nam - như mức 20% đã từng đề xuất - giá thành hàng hóa “Made in Vietnam” tại Mỹ sẽ tăng, làm giảm sức cạnh tranh.
Kết quả là kim ngạch xuất khẩu suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới cán cân thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu ngoại tệ giảm sút, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Khi xuất khẩu sang Mỹ giảm, lượng ngoại tệ đổ về Việt Nam cũng sẽ giảm theo. Điều này tạo sức ép lớn lên tỷ giá hối đoái, khiến Đồng Việt Nam có nguy cơ mất giá. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ đối mặt với chi phí tăng cao.
Nếu VND suy yếu, không chỉ chi phí sản xuất trong nước leo thang mà còn gây áp lực lên người tiêu dùng thông qua giá cả hàng hóa. Điều này tiềm ẩn kéo lạm phát tăng, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiểm soát.
Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Theo bà Vân, việc ông Trump tăng thuế nhập khẩu cũng làm gia tăng chi phí sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các ngành như điện tử, dệt may, da giày - vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam - sẽ gặp khó trong việc duy trì hợp đồng với đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chịu ảnh hưởng.
Với việc FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp và tạo việc làm, sự suy giảm dòng vốn này sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nguy cơ lạm phát toàn cầu
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là tình trạng lạm phát tại Mỹ. Theo Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, nếu chính quyền ông Trump áp dụng mức thuế nhập khẩu cao và thực hiện chính sách cứng rắn về nhập cư, chi phí sản xuất tại Mỹ sẽ tăng. Nguồn cung lao động giảm sút, chi phí nhân công tăng, kéo theo giá thành hàng hóa leo thang.
Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thông qua con đường nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu hoặc thiết bị từ Mỹ sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn.
Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ và năng lượng, vốn có giá trị lớn trong thương mại toàn cầu cũng bị đội giá, gây áp lực lên nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, lãi suất toàn cầu cũng sẽ tăng theo. Điều này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa.
Chuyên gia đề xuất NHNN cần có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: Nam Khánh.
Trong bối cảnh đầy thách thức, Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân cho rằng các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tại Việt Nam cần nhanh chóng có kế hoạch đối phó.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Mỹ. Các khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, ASEAN có thể là những thị trường tiềm năng cần khai thác mạnh mẽ hơn.
Thứ hai, Việt Nam cần tập trung vào nội địa hóa chuỗi cung ứng. Việc giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ biến động tỷ giá và chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó, cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định. NHNN cần theo dõi sát sao diễn biến lạm phát và tỷ giá để có những điều chỉnh phù hợp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.
Cuối cùng, việc phát triển nhân lực chất lượng cao cũng là một chiến lược dài hạn để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Các ngành nghề như công nghệ, sản xuất thông minh cần được ưu tiên đào tạo và phát triển để thích nghi với những thay đổi của thị trường toàn cầu.
Hồng Nhung